Hà Nội đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng 30% dịp cuối năm

Kate Trần-Thứ năm, ngày 19/12/2024 12:46 GMT+7

Sức tiêu thụ của thị trường cuối năm tại Hà Nội, có thể tăng thêm 20-30% so với ngày thường.

VTV.vn - Dự báo nhu cầu nông sản tăng đến 30% thời điểm cuối năm, Hà Nội đã chủ động lo liệu nguồn cung, quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ.

Sức tiêu thụ nông sản thực phẩm dịp cao điểm tăng khoảng 30%

Theo đánh giá của Sở Công thương TP Hà Nội, Hà Nội là một trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước với gần 10 triệu dân cư trú thường xuyên cùng hàng triệu khách du lịch mỗi năm, Hà Nội là một trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cũng cho thấy, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông lâm thủy sản thiết yếu của thành phố hiện nay rất lớn. Cụ thể, trung bình mỗi tháng, Hà Nội cần khoảng 20 nghìn tấn thịt lợn hơi; khoảng 6,7 nghìn tấn thịt gà, vịt. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần khoảng 5,5 nghìn tấn thủy, hải sản tươi đông lạnh; hơn 5,5 nghìn tấn thực phẩm chế biến…mỗi tháng. Nhu cầu về rau, củ hang tháng vào khoảng 110,5 nghìn tấn và khoảng 132 triệu quả trứng gia cầm…

Nhu cầu cao là thế nhưng đến nay, sản lượng một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản của thành phố mới chỉ đáp ứng 20 - 70% nhu cầu người dân. Phần lớn, Hà Nội phải nhập từ nhiều tỉnh, thành phố và nhập khẩu nước ngoài.

Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết năm 2024, sẵn sàng phục vụ nhân dân, trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam, nhất là hàng nông sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm gần 90%.

Đáng chú ý, theo dự báo của Sở Công thương TP Hà Nội, sức tiêu thụ của thị trường cuối năm, có thể tăng thêm 20-30% so với ngày thường.

Trên thực tế, đến nay, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố, phát triển 946 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ - quảng bá nông sản, đặc sản vùng miền; hỗ trợ lưu thông hàng hóa...Toàn thành phố hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 453 chợ, 137 siêu thị, 29 trung tâm thương mại, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 34 sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng đa phương tiện cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa...

Thông tin về vấn đề này, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, đến nay đã hợp tác với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước để xây dựng, duy trì, phát triển 977 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.

Tăng cường liên kết để đưa nông sản về Thủ đô

Hà Nội đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng 30% dịp cuối năm - Ảnh 2.

Thành phố Hà Nội liên kết với các tỉnh, thành phố xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn

Để bảo đảm nguồn cung, cùng với đẩy mạnh sản xuất, thành phố Hà Nội đang liên kết với các tỉnh, thành phố xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, chủ động điều tiết, bình ổn giá...

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Công thương TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, ngành này đã phối hợp lên kế hoạch cung ứng hàng hóa những tháng cuối năm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Riêng đối với mặt hàng nông sản, Hà Nội chủ động tính toán nhu cầu để sản xuất, xây dựng nguồn nông sản, không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ trong dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu gồm gạo, thịt lợn, thịt gà/vịt, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, đường, dầu ăn, gia vị…

Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), nhìn chung khả năng cung ứng thị trường tết bao gồm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau…của Hà Nội tương đối dồi dào. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng chuỗi liên kết để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn về phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp cao điểm cuối năm.

"Để bảo đảm hàng hóa cho thị trường dịp Tết, chúng tôi đã liên kết được với 1.130 đầu mối, từ lương thực đến thực phẩm, rau quả an toàn. Các địa phương đang cung cấp hàng hóa cho Hà Nội như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long...", đại diện Sở Công thương TP Hà Nội cho biết thêm.

Bên cạnh đó, ngành Công thương và Nông nghiệp của Hà Nội cũng đã chủ động ký kết, tổ chức nhiều hội chợ, gian hàng nhằm giới thiệu nông sản các tỉnh, thành phố tới người dân.

Không chỉ vậy, ngành Công thương Hà Nội cũng có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng nhằm kiểm soát thị trường chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp giám sát chất lượng rau quả, thực phẩm an toàn từ sản xuất đến sơ chế, chế biến sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Chia sẻ thêm, Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương Hà Nội trong việc theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung cao độ công tác thanh kiểm tra những cơ sở giết mổ động vật, cơ sở thu gom thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh…;lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định thường xuyên…", ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước