Hà Lan tạm đình chỉ kế hoạch cứu trợ hãng hàng không quốc gia KLM

TTXVN-Chủ nhật, ngày 01/11/2020 14:15 GMT+7

VTV.vn - KLM cho biết hãng hàng không lâu đời nhất thế giới sẽ không thể trụ vững nếu không có sự hỗ trợ lớn của Chính phủ để vượt qua cơn khủng hoảng COVID-19.

Chính phủ Hà Lan ngày 31/10 đã đình chỉ kế hoạch cứu trợ trị giá nhiều tỷ Euro cho hãng hàng không quốc gia KLM, sau khi các nghiệp đoàn từ chối ký một thỏa thuận liên quan đến kế hoạch cắt giảm lương trong 5 năm với hãng này.

Trước khi thông báo trên được đưa ra, phía KLM – chi nhánh Hà Lan của liên doanh Air France – KLM - đã có một ngày đàm phán căng thẳng với các nghiệp đoàn của mình để cố gắng đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra cho hay Chính phủ sẽ chỉ thông qua gói cứu trợ nếu hãng hàng không tuân thủ một số biện pháp cắt giảm chi phí cứng rắn.

Bộ trưởng Hoekstra đã cho KLM và các nghiệp đoàn đại diện cho những phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất của hãng thời hạn tới 11 giờ trưa (theo giờ GMT) ngày 31/10 để ký được một thỏa thuận nhằm mở khóa đợt giải ngân thứ hai của gói hỗ trợ 3,4 tỷ Euro (hơn 3,9 tỷ USD).

Trong khi các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra với một số nghiệp đoàn, Hiệp hội phi công Hà Lan VNV đã từ chối ký vì các điều kiện trong thỏa thuận có những thay đổi "vào phút chót". Những cuộc tranh cãi dai dẳng xoay quanh một điều khoản yêu cầu nhân viên của KLM phải cắt giảm lương trong 5 năm tới.

Hà Lan tạm đình chỉ kế hoạch cứu trợ hãng hàng không quốc gia KLM - Ảnh 1.

Hà Lan tạm đình chỉ kế hoạch cứu trợ hãng hàng không quốc gia KLM. Ảnh minh họa - Ảnh: Biglobe.

Trước đó trong tuần này, KLM đã trình lên Bộ Tài chính Hà Lan kế hoạch "thắt lưng buộc bụng", trong đó yêu cầu cắt giảm 15% chi phí và khoảng 5.000 việc làm bị cắt giảm do tác động toàn cầu của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch hàng không.

Kế hoạch cũng bao gồm một thỏa thuận từ các nghiệp đoàn để cắt giảm lương của phi công cho đến tháng 3/2022, lương của phi hành đoàn đội nhân viên mặt đất cho đến đầu năm 2023.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoekstra đã từ chối kế hoạch trên, nhấn mạnh việc cắt giảm lương phải diễn ra đồng thời với gói cứu trợ kéo dài 5 năm của chính phủ.

Khoảng 3.000 phi công làm việc cho KLM được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi kế hoạch "thắt lưng buộc bụng", vì lương của họ có thể bị cắt giảm lên tới 20%.

Tuy nhiên, một số nghiệp đoàn khác đã ký thỏa thuận với KLM, bao gồm nghiệp đoàn tiếp viên và nghiệp đoàn kỹ thuật viên ngành hàng không vũ trụ. Những nghiệp đoàn này nói rằng việc giữ cho KLM tiếp tục hoạt động là ưu tiên hàng đầu của họ và bất cứ canh cãi kéo dài nào cũng gây nguy hiểm cho triển vọng về gói cứu trợ Chính phủ.

Động thái mới nhất của Chính phủ đẩy tương lai chi nhánh tại Hà Lan của Air France-KLM vào tình thế nguy hiểm. KLM cho biết hãng hàng không lâu đời nhất thế giới sẽ không thể trụ vững nếu không có sự hỗ trợ lớn của Chính phủ để vượt qua cơn khủng hoảng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Trong một tuyên bố, KLM cho biết hãng hàng không này đang rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 101 năm tồn tại của mình. Tính riêng trong quý III/2020, Air France-KLM đã báo lỗ ròng 1,7 tỷ Euro (1,9 tỷ USD) - một sự đảo chiều lao dốc so với mức lãi 363 triệu Euro (423,8 USD) của cùng kỳ năm ngoái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước