Buổi đối thoại do Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tổ chức sáng nay (27/11) tại TP.HCM, thu hút hơn 600 doanh nghiệp miền Trung và khu vực phía Nam.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp chia sẻ thẳng thắn nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách thuế, hải quan và được lãnh đạo ngành "gỡ vướng" trực tiếp.
Tuy nhiên, một số vấn đề cần sự phối hợp của Bộ quản lý chuyên ngành, như để giảm thời gian cấp phép, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể đưa nguyên liệu nhập khẩu chế biến ngay mà không phải chờ tới 30 ngày, thậm chí 90 ngày như hiện nay...
Với những chính sách mới, như Nghị định 126, trong đó quy định doanh nghiệp phải nộp 75% thuế thu nhập doanh nghiệp trước 30/10, Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng cần thiết để đảm bảo cân đối ngân sách.
"Bộ Tài chính phải cân đối lợi ích của toàn xã hội. Một số doanh nghiệp có ý kiến không có nghĩa là tất cả cộng đồng doanh nghiệp có ý kiến. Tôi cho rằng phải lưu ý vấn đề điều hành ngân sách của các tỉnh. Đây là vấn đề liên quan đến Luật Ngân sách. Có thể nói chúng ta thu theo tiến độ và chi theo tiến độ của thu. Trước hết phải có nguồn thu, không thể đi vay để chi cho chính quyền địa phương được", ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế, nhận định.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan vẫn ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp và sẽ tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm cho cả năm nay ước đạt 110.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính tuân thủ của người dân và doanh nghiệp, các mức xử phạt hành chính thuế và hải quan mới có hiệu lực đều theo hướng tăng lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!