Phát triển hệ thống đường bộ như thế nào khi ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực này ngày càng giảm chính là thách thức lớn cho ngành giao thông. Vì vậy, huy động các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ là giải pháp mang tính chiến lược trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, khó có thể thu hút được các nhà đầu tư nếu như nút thắt về chênh lệch lãi suất theo quy định với lãi vay thực tế từ các ngân hàng thương mại không được giải quyết.
Theo quy định của Bộ Tài chính, mức lãi suất tính cho các nhà đầu tư theo hình thức PPP bằng 1,5 lần lãi suất của trái phiếu. Con số này tương đương khoảng 7,2 - 7,5%/năm, tuy nhiên, thực tế các nhà đầu tư vẫn đang phải vay từ các ngân hàng thương mại thường ở mức trên 10% thậm chí hơn 11%/năm. Như vậy, từ quy định đến thực tế, các nhà đầu tư phải tự bù khoảng 3 - 4% lãi suất vay. Trong khi đó, lợi nhuận của các nhà đầu tư được quy định ở mức tối đa chỉ là 11,5%.
Hiện phần lớn nhà đầu tư PPP đều phải vay khoảng 85% tổng mức đầu tư từ các ngân hàng thương mại, chính vì thế, với những dự án đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng thì chênh lệch lãi suất sẽ lên tới vài chục, thậm chí vài trăm tỷ mỗi năm. Không chỉ vậy, các nhà đầu tư này cũng chỉ được thu lợi nhuận sau khi trả hết phần vốn vay ngân hàng.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP với tổng nguồn vốn khoảng 120.000 tỷ đồng, trong đó, dự kiến sẽ huy động 63.000 tỷ đồng từ các thành phần kinh tế khác. Với quy định hiện nay, ngoài vốn tự có, doanh nghiệp tham gia dự án này sẽ phải vay 50.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng. Với thực trạng như hiện nay, số tiền chênh lệch lãi suất mà nhà đầu tư phải gánh sẽ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!