Từ tháng 9/2022 đến nay, trước diễn biến khó khăn của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, khoảng 1.300 doanh nghiệp tại 50 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng, kéo theo hơn nửa triệu người lao động bị cắt giờ làm, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động.
Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung vào một số ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ…
Thực hiện Công điện số 1170 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động, hàng loạt các giải pháp đã được triển khai đồng bộ trên cả nước.
Tháng Công nhân đang tới gần, kể từ năm 2012, sau khi Ban Bí thư đồng ý lấy tháng 5 hàng năm là tháng công nhân, hơn 10 năm qua, đây là dịp cao điểm tổ chức công đoàn triển khai các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động. Nhiều hoạt động thiết thực hướng đến người lao động đã được thực hiện đồng bộ trên cả nước.
Đảm bảo an sinh cho người lao động cũng chính là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn tái phục hồi. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong vài năm gần đây, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, chính trị trên thế giới và diễn biến kinh tế trong nước, sự sụt giảm về đơn hàng khiến không ít doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.
Dù dự báo những khó khăn chưa thể qua đi "một sớm, một chiều", tuy nhiên bằng nhiều biện pháp, các doanh nghiệp đang nỗ lực giữ chân người lao động. Đảm bảo an sinh cho người lao động cũng chính là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn tái phục hồi.
Kết quả thương lượng giữa công đoàn và chủ sử dụng lao động tại Công ty Ohashi Tekko Việt Nam đã mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động từ đầu năm nay. Không chỉ giữ được việc làm ổn định, mà quyền lợi tăng hơn như: mức lương tối thiểu trả là dưới 4,2 triệu đồng, nhưng doanh nghiệp trả tới trên 5,8 triệu đồng/tháng, cao hơn 40% so với quy định.
"Ban lãnh đạo công ty và ban chấp hành công đoàn đã tổ chức thương lượng để đàm phán về công ăn việc làm cho người lao động làm sao để người lao động luôn có công việc ổn định; đồng thời sẽ tạo ra thu nhập để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài", bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Ohashi Tekko Việt Nam, chia sẻ.
Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc tư vấn giúp các công đoàn cơ sở ký thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi cho người lao động, trong đó chú trọng đến cam kết không sa thải lao động. Từ đầu năm tới nay, Vĩnh Phúc không xảy ra vụ sa thải nào.
"Triển khai ký thỏa ước lao động tập thể đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, trong đó tập trung chính vào cải thiện chất lượng, chế độ lương của người lao động", ông Khổng Sơn Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết.
"Chúng tôi thúc đẩy đối thoại với người sử dụng lao động hoặc có những giải pháp đề xuất với các nhãn hàng nhằm đa dang hóa các mặt hàng sản xuất để người lao động tiếp tục có vị trí việc làm", bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho hay.
Tháng Công nhân năm 2023 có chủ đề "Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức". Tháng 5 cũng là tháng an toàn vệ sinh lao động và tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng nơi làm việc và tiếp tục phát triển quan hệ lao động bền vững và hài hòa.
Chăm lo sức khỏe người lao động
Hướng tới Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, nhiều doanh nghiệp đang có những việc làm thiết thực quan tâm chăm sóc người lao động. Trong đó, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân là hoạt động được nhiều người lao động phấn khởi chờ đợi...
Từ sáng sớm, hàng trăm lao động của Công ty Ohashi Tekko Việt Nam đã hồ hởi có mặt để được kiểm tra tổng thể tình trạng sức khỏe. Nếu phát hiện các bệnh lý nguy hiểm, người lao động sẽ được công ty hỗ trợ khám chuyên sâu chất lượng cao.
Đợt này, doanh nghiệp cũng chú trọng thăm khám nhiều bệnh của phụ nữ vì lao động nữ chiếm trên 40% và phần lớn đang trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều cách chăm sóc người lao động.
"Tiếp tục hỗ trợ, tặng quà cho người lao động bị tai nạn nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh", ông Khổng Sơn Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết.
Sức khỏe của người lao động là vốn quý của doanh nghiệp. Đặc biệt sau đại dịch, việc quan tâm chăm lo sức khỏe cho người lao động lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Việc làm này giúp doanh nghiệp có nguồn nhân lực ổn định, gắn bó để cùng phát triển sản xuất.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hơn 8,6 triệu đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn với tổng kinh phí hơn 6.110 tỷ đồng - một con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn.
Thời gian vừa qua, giai cấp công nhân luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: "Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại lớn mạnh thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân.
Tháng Công nhân tới gần cũng là dịp để cả xã hội cùng chung tay quan tâm chăm lo cho anh chị em công nhân, bởi tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 14% dân số, nhưng hàng năm, giai cấp công nhân Việt Nam đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!