Chị Ma Jingjing, 26 tuổi, là 1 trong gần 9 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và gia nhập thị trường việc làm ở Trung Quốc đúng vào thời điểm nhiều biến động trong năm 2020.
Cũng giống như các bạn trẻ khác, Ma Jingjing chỉ biết "bấu víu" vào các hội chợ việc làm, coi đây là "cơ hội vàng" để có thể tìm được việc làm.
"Tôi không ngờ sau dịch xin việc lại khó khăn như vậy. Mỗi vị trí, tôi phải cạnh tranh với 10 người khác. Thật sự tôi rất lo lắng" - Ma Jingjing bày tỏ.
Sinh viên tham gia hội chợ việc làm tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Bản thân Ma Jingjing - vốn mơ ước trở thành giáo viên - cũng đang rất bối rối và băn khoăn về việc có nên chấp nhận làm một công việc gì đó hay tạm gác chuyện "ổn định" để học lên. Chị cho biết đã nộp đơn xin vào 7 - 8 trường tư thục, song chỉ có 1 trường gọi lại cho cô để phỏng vấn. Tuy nhiên, một rắc rối mà Ma Jingjing và nhiều bạn trẻ khác đang gặp phải đó là vấn đề tài chính.
Mặc dù tích lũy được vài năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại Bắc Kinh, nhưng anh Zhao cũng không thoát khỏi cảnh đau đầu tìm việc.
"Vì dịch bệnh nên công việc phù hợp với tôi cũng ít hơn. Tôi cũng không được đến thành phố khác để xin việc" - anh Zhao chia sẻ.
Hàng dài người tham gia hội chợ việc làm tại Trịnh Châu. (Ảnh: China Smack)
Hiện Chính phủ Trung Quốc cũng đang tăng cường các nỗ lực nhằm thúc đẩy tỷ lệ việc làm sau đại học. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết chính phủ sẽ nỗ lực để tạo ra hơn 9 triệu việc làm mới trong năm nay.
Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh quyết định sẽ trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp, với hợp đồng dài hơn 1 năm, trong khi các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tuyển dụng trong năm nay và năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!