Lĩnh vực kinh doanh bán lẻ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19. Điều này khiến nhiều tay chơi trong lĩnh vực này tại Singapore phải thay đổi chiến thuật thu hút khách hàng
"Đối với trung tâm thương mại chúng tôi luôn phải tìm cách để kích cầu người tiêu dùng. Với mô hình mua trước trả sau người tiêu dùng có thể chia đều chi phí mua hàng, khiến những mặt hàng có giá trị lớn cũng nằm trong tầm tay", ông Lawrence Teo - Giám đốc điều hành tại BHG Singapore cho biết.
Theo thống kê của Ngân hàng BNP, khoảng 3 giao dịch mua sắm trực tuyến thì có 1 giao dịch sử dụng hình thức mua trước trả sau.
Kết quả khảo sát của nền tảng so sánh tài chính Finder cho thấy, trong năm 2020 có tới 38% người dân Singapore đã mua sắm với dịch vụ mua trước trả sau này. Trong đó số lượng khách hàng thế hệ Z, từ 23 tuổi trở xuống, gia tăng đáng kể.
Giao diện một nền tảng mua trước, trả sau đang vận hành tại Singapore. Ảnh: Bloomberg.
Mặc dù hầu hết các dịch vụ thường được sử dụng cho các giao dịch giá trị nhỏ, nhưng 27% người Singapore cho biết, gặp khó khăn về tài chính do mua hàng trả góp, 9% cho biết đã bị phạt tiền cho chậm thanh toán. Do vậy, nhiều quan chức ở Singapore không cảm thấy cách chi tiêu này là khôn ngoan.
Phó Giáo sư Lawrence Loh - Trường Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore cho hay: "Các ứng dụng mua trả góp có thể đang "săn mồi" những người 20 tuổi ngây thơ về tài chính, những đối tượng đứng trước rủi ro chi tiêu quá tay, hoặc phải chịu những khoản phí chậm thanh toán".
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã phát động một chiến dịch truyền thông cảnh báo các phương thức thanh toán có thể dẫn đến nợ và rủi ro tín dụng tiêu dùng. Giới chức Singapore đã khuyến khích mọi người tránh vay mượn để mua sắm thoải mái.
Sau khi phổ biến ở phương Tây, mô hình mua trước, trả sau (Buy now, Pay later) đang phát triển mạnh mẽ ở Singapore và các nước Đông Nam Á khác. Theo công ty tư vấn Cohere Market Insights, thị trường dịch vụ mua trả góp này trên toàn cầu sẽ đạt quy mô khoảng 33,6 tỷ USD vào năm 2027, tăng hơn 20% so với năm 2020.
Không giống như thẻ tín dụng truyền thống yêu cầu kiểm tra toàn diện và thủ tục giấy tờ để xác minh danh tính của một cá nhân, dịch vụ mua trước trả sau cho phép người dùng trên 18 tuổi tạo tài khoản và bắt đầu mua sắm sau khi nhập thông tin cá nhân và liên kết ít nhất một thẻ ghi nợ. Phí trả trễ thường dao động 5-60 đôla Singapore.
Chủ tịch MAS Tharman Shanmugaratnam cho biết, các dịch vụ mua trước trả sau hiện nằm ngoài các quy định của cơ quan này về tín dụng áp dụng cho các ngân hàng và công ty tài chính.
Vì vậy, MAS sẽ xem xét các biện pháp như xác minh thu nhập của người dùng trả góp và tạo một hệ thống tập trung để kiểm tra các khoản tạm ứng được thực hiện giữa thẻ tín dụng và nền tảng trả góp. Trong lúc này, MAS đang ra sức tuyên truyền về những rủi ro của việc bội chi thông qua các dịch vụ trả góp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!