Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh Thượng viện Mỹ và Nhà Trắng ngày 25/3 đã đồng ý về một dự luật kích thích mang tính bước ngoặt để hỗ trợ nền kinh tế trước cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các nhà kinh tế nhận định kinh tế Mỹ sẽ vẫn phải trải qua một thời kỳ suy giảm dù giai đoạn này sẽ không kéo dài.
Theo dự kiến, dự luật sẽ phân bổ 500 tỷ USD vào các khoản vay cho các ngành công nghiệp lớn, bao gồm ngành hàng không, cũng như hỗ trợ tiền mặt cho hàng triệu người dân Mỹ trong nỗ lực ngăn các gia đình rơi vào tình trạng phá sản. Dự luật cũng sẽ mở rộng quyền lợi trợ cấp thất nghiệp và bao gồm một chương trình trị giá 367 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp nhỏ trả lương cho lao động.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ hồi phục sau 6 tháng hoặc lâu hơn, các chuyên gia cảnh báo rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm trải qua giai đoạn sụt giảm tăng trưởng tuy ngắn nhưng rất mạnh mẽ với quy mô chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.
Trong bản cập nhật Dự báo Kinh tế công bố hôm 25/3, công ty dịch vụ tài chính Wells Fargo Economic nhận định Mỹ sắp tới sẽ trải qua giai đoạn suy giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sâu nhất trong kỷ nguyên hậu Thế chiến II.
Nhưng về mặt tích cực hơn, báo cáo của Wells Fargo lưu ý các biện pháp của Fed để duy trì tín dụng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ giảm bớt phần nào ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế. Xây dựng trên giả định rằng chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây dịch COVID-19 sẽ không quay trở lại một lần nữa vào mùa Thu này, báo cáo nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối năm nay, mặc dù tình hình vẫn còn nhiều bất ổn.
Trong khi đó, chuyên gia Desmond Lachman của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nói rằng gói kích thích tài khóa của Tổng thống Donald Trump sẽ hiệu quả hơn gói kích thích phản ứng với tình trạng khủng hoảng tài chính hồi năm 2008 của người tiền nhiệm Barack Obama.
Theo ông Lachman, kế hoạch hiện tại được xây dựng theo cách đưa phần lớn số tiền trong gói kích thích vào tay những người có khả năng chi tiêu nhất trông qua việc cấp cho họ các tấm chi phiếu. Gói kích thích cũng sẽ giúp hạn chế làn sóng phá sản của các doanh nghiệp bằng cách dành một khoản tiền lớn hỗ trợ cho họ.
Thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Brookings, ông Barry Bosworth, nhận định trong ngắn hạn, công cụ kích thích sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn đối với con số GDP. Nhưng nó có thể làm giảm bớt một số ảnh hưởng của bệnh dịch lên các cá nhân và đảm bảo rằng không xảy ra cuộc khủng hoảng thanh khoản lớn nào.
Dù vậy, chuyên gia này lưu ý phải chờ đến quý III/2020 mới có thể đánh giá tính hiệu quả của gói kích thích. Khi đó, cuộc khủng hoảng COVID-19 được kỳ vọng đã kết thúc.
Tính đến ngày 25/3, nước Mỹ đã có 64.832 người nhiễm COVID-19, trong đó 913 ca tử vong, đưa nước này trở thành ổ dịch "nóng" thứ hai thế giới chỉ sau Italy. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật trị giá 2.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ và kích thích nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Theo dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ thông qua dự luật này vào ngày 25/3 (theo giờ địa phương) sau đó Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu vào ngày 26/3, mặc dù vẫn còn những bất đồng vào phút chót liên quan đến tiền trợ cấp thất nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!