Giới chức EU tìm lời giải cho bài toán năng lượng hạt nhân

Hồng Quang - Thế Dũng - Đoàn Hà (PV thường trú THVN tại châu Âu)-Thứ tư, ngày 19/01/2022 07:01 GMT+7

VTV.vn - Những thách thức từ nguồn cung khí đốt và năng lượng tái tạo đang khiến giới chức châu Âu nghĩ tới những giải pháp khác.

Một trong số đó chính là năng lượng hạt nhân với những ưu điểm như công suất ổn định và lại không phát rakhí thải carbon. Ủy ban châu Âu (EC) còn đang dự định đưa hạt nhân vào danh sách những loại hình năng lượng xanh.

Ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội địa, Ủy ban châu Âu (EC) nói: "Chỉ có năng lượng hạt nhân mới có thể giúp chúng tôi tăng gấp đôi sản lượng điện năng, mà vẫn đảm bảo các mục tiêu giảm phát thải trong tương lai".

Để có thêm những thông tin về thị trường năng lượng hạt nhân tại châu Âu hiện nay, phóng viên bản tin TCKD đã kết nối với PV Thế Dũng, thường trú THVN tại châu Âu để bình luận về thị trường năng lượng hạt nhân tại châu Âu.

PV: Xin chào anh Thế Dũng. Thưa anh, ngành năng lượng hạt nhân tại châu Âu đang đứng trước thuận lợi và khó khăn nào?

Phóng viên Thế Dũng: Ngành hạt nhân châu Âu đang đối mặt với những thuận lợi và khó khăn đan xen khi sản lượng điện ở một số nhà máy điện hạt nhân, nhất là ở Pháp, sụt giảm vì hết khấu hao. Các nhà máy này cần đầu tư phát triển theo hướng sử dụng lò phản ứng hạt nhân modun nhỏ thế hệ mới. Công nghệ này có sự ủng hộ của các nước chủ chốt châu Âu như Pháp, Anh và một số quốc gia Đông Âu song bị Đức và một số nước EU khác phản đối. Tuy vậy, nhiều ngân hàng và giới đầu tư tài chính châu Âu nhận định điện hạt nhân là kênh đầu tư hiệu quả và họ đang bám sát việc EU có đưa Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng xanh hay không. Nếu được coi là năng lượng xanh thì việc phát triển điện hạt nhân mở ra thị trường đầu tư hiệu quả vào các công ty khai mỏ, đơn vị sản xuất và cung ứng điện… Một khi mở ra chủ trưởng phát triển lĩnh vực này, các quốc gia và nhà đầu tư châu Âu sẽ đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà đầu tư và công nghệ của Mỹ, Trung Quốc và Nga.

PV: Với những điều kiện như vậy, làn sóng đầu tư vào điện hạt nhân của các quốc gia châu Âu đang diễn ra như thế nào, thưa anh?

Phóng viên Thế Dũng: Đến nay, ít nhất 6 quốc gia châu Âu đã công bố kế hoạch xây dựng thế hệ lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ mới. Tổng thống Macron đồng ý phân bổ hàng tỷ euro từ ngân sách giúp Tập đoàn Điện lực Pháp xây dựng 6 lò phản ứng nước áp lực mới và sản xuất các lò phản ứng mô-đun nhỏ vào năm 2030. Các nhà đầu tư như Rolls-Royce tại Anh đã thành lập một đơn vị mới phụ trách xây dựng lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ sau khi đạt được thỏa thuận cấp vốn 547 triệu USD với các nhà đầu tư còn Ba Lan đã ký hợp đồng xây dựng từ 4 đến 12 lò phản ứng hạt nhân loại này vào cuối năm 2030 với giá trị hợp đồng là 4 tỷ USD. Ở cấp độ EU, Uỷ ban châu Âu đang đề xuất đầu tư 568 tỷ USD vào các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới từ nay đến năm 2050.

PV: Cảm ơn anh Thế Dũng.

Có thể thấy, nhiều nước châu Âu đang đặt niềm tin rằng hạt nhân sẽ là một nguồn cung năng lượng đáng tin cậy, trong quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để từ tham vọng trở thành thực tế, vẫn đang là một hành trình nhiều chông gai và còn gây nhiều tranh cãi trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước