"Giếng dầu của thế giới" Vùng Vịnh đẩy nhanh chuyển dịch sang năng lượng sạch

VTV Digital-Thứ ba, ngày 31/10/2023 10:52 GMT+7

VTV.vn - Các quốc gia Vùng Vịnh đang có những động lực thực sự để phát triển kinh tế xanh.

Hội nghị COP28 diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được coi là hội nghị quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc trong 8 năm vì các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lần đầu tiên đánh giá những mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Để chuẩn bị cho sự kiện này, cuộc họp cấp Bộ trưởng tiền COP28 sẽ diễn ra hôm qua và hôm nay (31/10) tại Abu Dhabi để thảo luận những nội dung và cam kết sẽ được các nhà lãnh đạo thế giới bàn thảo vào cuối tháng 11 tới.

4 trụ cột chính được nước chủ nhà COP28 đưa ra, gồm: Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch; Giải quyết vấn đề Tài chính khí hậu; Tập trung thích ứng bảo vệ con người, cuộc sống và sinh kế; Củng cố sự bao quát toàn diện.

Hội nghị COP 28 còn đáng chú ý là bởi đây sẽ là lần đầu tiên một hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Vùng Vịnh - khu vực vẫn được xem giếng dầu của thế giới.

Những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới liệu sẽ đóng vai trò gì trong nỗ lực cắt giảm những nguồn năng lượng gây hiệu ứng nhà kính cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch?

Giếng dầu của thế giới Vùng Vịnh đẩy nhanh chuyển dịch sang năng lượng sạch - Ảnh 1.

Vùng Vịnh đang đẩy nhanh chuyển dịch sang năng lượng sạch. (Ảnh minh họa - Euronews)

Tại Vùng Vịnh, có một quan điểm rõ ràng rằng thế giới cần năng lượng để tồn tại và phát triển. Những mục tiêu chống biến đổi khí hậu vì thế không thể dựa trên những lời kêu gọi cắt giảm khí thải carbon duy ý chí.

Chống biến đổi khí hậu, trước nhất phải đi kèm với một lộ trình chuyển đổi năng lượng, thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống bằng các nguồn năng lượng xanh. Những gì mà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất hay cả một số quốc gia Vùng Vịnh khác muốn ghi dấu ấn tại COP 28 lần này chính là cho thế giới thấy một tầm nhìn rõ ràng của họ về một quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh.

Nói một cách khác, một điểm nhấn tại COP 28 mà các quốc gia Vùng Vịnh muốn thể hiện ra là năng lượng xanh sẽ hoàn toàn có thể phát triển ngay trên mảnh đất của những giếng dầu và lấy đó là cú hích cho phát triển năng lượng xanh trên toàn thế giới.

Hiện Dubai - nơi sẽ diễn ra COP 28 đã được xếp hạng là 1 trong 20 điểm đến hàng đầu thế giới về đầu tư cho năng lượng tái tạo. Hay để hướng đến COP 28, nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng đã cho công bố 1 dự án khử carbon và chuyển đổi năng lượng tại nước này lên tới gần 5,5 tỷ USD. Một dự án phát triển khí hydro xanh lớn nhất thế giới cũng đang được phát triển tại đây.

Tuy nhiên, thực tế giá dầu được dự báo 100 USD/thùng rồi 150 USD/thùng nếu xung đột tại Dải Gaza lan rộng. Dầu càng tăng, các quốc gia xuất khẩu dầu càng có doanh thu lớn. Với các quốc gia Vùng Vịnh liệu họ có nhiều động lực để thực sự chuyển đổi sang năng lượng xanh trong lúc này hay không? Bởi rõ ràng kỷ nguyên các nền kinh tế dựa vào dầu mỏ càng kéo dài thì họ càng hưởng lợi.

Thực tế dầu mỏ đã giúp một số quốc gia Vùng Vịnh bội thu thời gian qua. Nhưng các tính toán gần đây cũng cho thấy, GDP của Vùng Vịnh đến năm 2050 có thể tăng lên đến 13.000 USD nếu có các chiến lược phát triển năng lượng xanh một cách hiệu quả. Ngược lại nếu không áp dụng các chiến lược phát triển kinh tế xanh thì GDP của Vùng Vịnh cho tới năm 2050 chỉ đạt khoảng 6.000 tỷ USD, chưa bằng một nửa.

Như vậy, có thể thấy các quốc gia Vùng Vịnh đang có những động lực thực sự để phát triển kinh tế xanh. Ngoài ra, tiền thu được từ dầu mỏ, các quốc gia Vùng Vịnh không thể cứ để đó mà phải lấy ra đầu tư để kích thích tăng trưởng, tạo việc làm. Đầu tư mạnh vào kinh tế xanh chính là con đường Vùng Vịnh đang lựa chọn lúc này.

COP 28 vì thế được kỳ vọng là thời điểm mà Các Tiểu vương quốc A rab Thống nhất sẽ đưa ra các bước đi đủ sức nặng để thúc đẩy thế giới tiến mạnh hơn trong chiến lược kinh tế xanh.

Đầu tư chuyển dịch năng lượng sạch đạt kỷ lục

Số liệu mới nhất từ Báo cáo đầu tư chuyển dịch năng lượng được Bloomberg công bố tháng 1 năm nay cũng cho thấy, đầu tư cho chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu lần đầu tiên tương đương với đầu tư cho năng lượng hoá thạch. Điều này cho thấy sự nghiêm túc trong cam kết thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Bloomberg, số tiền mà các quốc gia trên thế giới cam kết đầu tư chuyển dịch năng lượng đã tăng lên mức kỷ lục, đạt 1,1 nghìn tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, đầu tư xây dựng cho các dự án năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, nhiên liệu sinh học chiếm 45%. Tiếp đến là đầu tư cho xe điện và hạ tầng trạm sạc chiếm 42% giá trị, tương đương 466 tỷ USD.

Giếng dầu của thế giới Vùng Vịnh đẩy nhanh chuyển dịch sang năng lượng sạch - Ảnh 2.

Trung Quốc hiện là quốc gia đi đầu trong chuyển dịch sang năng lượng sạch, với tổng số tiền cam kết đầu tư đạt 546 tỷ USD, chiếm gần một nửa cam kết đầu tư của thế giới.

Trong lĩnh vực nhiên liệu hydro, John Cockerill là một trong hai tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới. Trao đổi với phóng viên VTV Money bên lề Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023, đại diện tập đoàn cho rằng, quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu là không dễ dàng, khi chi phí đầu tư rất lớn nhưng cần thực hiện từng bước và công nghệ lưu trữ là rất quan trọng.

Ông Francois Mitchell - Tổng Giám đốc Tập đoàn John Cockerill cho biết: "Năng lượng tái tạo do có nguồn gốc từ thiên nhiên nên tính ổn định thấp. Do vậy, công nghệ lưu trữ phải tốt, song đi kèm là rất tốn kém. Chuyển dịch năng lượng ở đây cũng nên được hiểu là sử dụng một cách hiệu quả những nguồn năng lượng từ khí đốt, than đá… một cách hiệu quả hơn. Từ đó tiết kiệm tối đa nguồn nhiên liệu này. Khi đó chúng ta mới có nguồn lực để đầu tư cho năng lượng sạch".

Đàm phán Quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" về khí hậu bế tắc

Một trụ cột khác cũng thu hút sự quan tâm của thế giới trước thềm COP28 đó là câu chuyện tài chính khí hậu và bồi thường khí hậu. Năm ngoái, tại COP27 ở Ai Cập, thoả thuận cuối cùng của hội nghị đã nhất trí thành lập Quỹ "Tổn thất và Thiệt hại". Đây được xem là một bước đột phá, mang tính lịch sử.

Quỹ bồi thường này bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu. Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất nhất, sau 4 vòng đàm phán thì đầu tuần qua, các cuộc thảo luận vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về việc ai sẽ tài trợ cho quỹ, quỹ nên đặt ở đâu và nước nào sẽ đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Bà Preety Bhandari - Cố vấn cấp cao về chương trình khí hậu toàn cầu và trung tâm tài chính tại Viện Tài nguyên Thế giới, bình luận: "Việc quỹ hỗ trợ tổn thất và thiệt hại có hoạt động đầy đủ hay không chính là thước đo thành công chính của Hội nghị thượng đỉnh COP28 năm nay".

Các bên dự kiến sẽ tham gia vòng đàm phán thứ 5 vào đầu tháng 11 này, ngay trước thềm COP28.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước