Tại thủ đô London của Anh, trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, người tiêu dùng đang có nhiều lựa chọn giữa các công ty giao hàng thần tốc. Thậm chí, các công ty này được coi là đối thủ đáng gờm của các siêu thị lớn.
Những nhân viên giao đồ của công ty Weezy tại Anh rất tất bật với công việc, hối hả lên đơn, đóng đồ và khẩn trương lao ra đường. Thứ họ giao cho khách là thực phẩm tươi sống và phải giao tới tay khách trong vòng 15 phút kể từ khi họ đặt hàng trên ứng dụng.
Đội ngũ của Weezy là một phần trong hàng loạt công ty giao hàng tươi sống siêu tốc đang mọc lên tại châu Âu, được hậu thuẫn hàng tỷ USD bởi các quỹ đầu tư từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Phương tiện đơn giản là xe đạp và xe máy điện.
"Một cái giỏ giao hàng của Weezy lớn hơn giỏ mua hàng tại siêu thị rất nhiều. Điểm thuận tiện nhất là hàng sẽ được giao tới tận cửa nhà bạn, thay vì bạn phải bê vác nặng nề từ siêu thị. Chúng tôi ghi nhận khách hàng ở mọi độ tuổi và trung bình 1 giỏ hàng luôn có tới 50% là hàng tươi sống", anh Alec Dent, đồng sáng lập công ty Weezy, chia sẻ.
Đội ngũ của Weezy là một phần trong hàng loạt công ty giao hàng tươi sống siêu tốc đang mọc lên tại châu Âu. (Ảnh: Reuters)
Chỉ riêng tại thủ đô London, khách hàng đã có sự lựa chọn từ 4 công ty giao hàng khác nhau. Những cái tên như: Getir, Dija, hay Gorillas đang cố gắng trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Giao đồ tươi tận cửa nhà được xem là cuộc cách mạng mới trong ngành thực phẩm, đối đầu với các ông lớn siêu thị vốn chiếm tới 95% lượng cung cấp thực phẩm cho người dân cả nước.
Điểm khác biệt giữa các công ty này và siêu thị cồng kềnh là các công ty giao hàng chỉ lưu trữ khoảng 2.000 mặt hàng trong các kho nhỏ, dành riêng cho việc lấy hàng đi giao, nên các kho này được xây dựng rải rác khắp thành phố, ở cả các khu vực có giá thuê rẻ hơn. Trong khi đó, quy mô siêu thị to lớn hơn với khoảng 10.000 mặt hàng. Đối với các khách hàng trẻ, giao hàng siêu tốc trở thành lựa chọn được ưa thích.
"Tôi không có thời gian để đi shopping một mẻ lớn cho cả tuần. Tiện công việc xong lúc nào thì mới nấu ăn lúc đó. Nên những ứng dụng như thế này rất tuyệt vì chỉ 15 phút sau khi đặt hàng là có ngay nguyên liệu để nấu nướng", anh Alastair Dean, nhân viên tài chính, chia sẻ.
"Thử thách lớn nhất là bây giờ có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua này, nên công ty nào muốn tồn tại lâu cần nhiều vốn. Tôi nghĩ rằng trong tương lai sẽ có nhiều cuộc sáp nhập. Thậm chí các siêu thị lớn cũng sẽ muốn mua lại các công ty giao hàng này", bà Natalie Berg, chuyên gia phân tích tại NBK, nhận định.
Các công ty giao hàng cũng nhận thấy sự phức tạp trong cách vận hành của mình và hiểu rằng việc sinh lời sẽ cần nhiều thời gian, nhưng phản ứng tích cực ngay từ đầu của khách hàng đang cho họ động lực lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!