Đây là nhận định của các chuyên gia và tổ chức quốc tế tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây. Các giải pháp cụ thể đã được các doanh nghiệp, hiệp hội đưa ra để có thể cán đích các mục tiêu tăng trưởng này.
Các doanh nghiệp tham dự sự kiện cho biết, mặc dù năm 2025 được dự đoán có nhiều biến động trên thế giới liên quan đến địa chính trị và các chính sách áp thuế thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ, nhưng doanh nghiệp đã chủ động tập trung nguồn lực của mình vào hai trụ cột chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để thích ứng.
Ông Phạm Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho biết: "Chú trọng vào công nghệ về AI đặc biệt cho quá trình thương mại điện tử, bán hàng online, tăng cường trải nghiệm khách hàng, chúng tôi cũng đã phát triển nhiều hệ thống điện áp mái cho các nhà máy của chúng tôi, qua đó tiết kiệm được rất nhiều năng lượng".
Theo các chuyên gia, thành phần kinh tế tư nhân là nhân tố chủ chốt sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, vì thế cần có những hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này.
Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital chia sẻ: "Việt Nam là một nền kinh tế mở, đây là thế mạnh cũng là thách thức. Các chính sách ưu đãi, các chính sách định hướng".
Các chuyên gia cũng nhận định, năm 2025 là năm thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam với ba động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu đang có đà tăng hai con số, thu hút dòng vốn FDI tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan và tăng tốc giải ngân đầu tư công. Mặc dù khó đoán định về chính sách thuế thương mại của Hoa Kỳ- thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng các Hiệp định thương mại tự do sẽ là yếu tố trợ lực cho tăng trưởng.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế Toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore nhận định: "Ví dụ nếu có điều gì bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ thì các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm các đối tác tại thị trường có ưu đãi, từ đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả xuất khẩu".
Các chuyên gia cũng đánh giá mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2025 ở mức là 4,5% mà Quốc hội đề ra là phù hợp, để Việt Nam vừa có thể kiểm soát tốt lạm phát, vẫn tiếp tục đạt được mục tiêu tăng trưởng khả quan 7,5%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!