Giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam

Hải Vân-Thứ hai, ngày 17/07/2023 12:07 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2.400.000 căn.

Tuy nhiên hiện nay mới có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại 36 địa phương đã được cấp phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng với tổng số 85.662 căn hộ. Vì vậy, giải pháp để đẩy nhanh phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, là nội dung mà Bộ Xây dựng và các chuyên gia, doanh nghiệp tập trung thảo luận trong Hội thảo Tiềm năng bất động sản Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến nay trên phạm vi cả nước có 392 khu công nghiệp được thành lập và có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Nhu cầu nhà ở phân khúc này luôn vượt xa khả năng cung cấp của thị trường, vì thế việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân luôn được Bộ Xây dựng chú trọng.

Theo các chuyên gia, quỹ đất và vốn là hai vướng mắc lớn nhất để phát triển nhà ở xã hội. Trong dự thảo Luật nhà ở và kinh doanh bất động sản sửa đổi, quy định về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội đã được thay đổi phù hợp hơn cho các doanh nghiệp và địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, cho biết: "Luật đã quy định trách nhiệm bố trí quỹ đất đấy thuộc về chính quyền địa phương, và chính quyền địa phương phải bố trí quỹ đất trên đồ án quy hoạch và chính quyền địa phương phải bố trí ngân sách để giải phóng mặt bằng, đấu nối hạ tầng, mời gọi nhà đầu tư vào phát triển dự án. Nếu phương án này được thông qua và chính quyền địa phương thực hiện đúng sẽ gỡ nút thắt về quỹ đất".

Bên cạnh đó các chuyên gia cũng cho rằng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện nay cần có các tiện ích đi kèm chứ không thể chỉ có riêng khối nhà.

Ông Hwang Sung Kwwan, chuyên gia Tổng công ty đất đai và nhà ở Hàn Quốc, nói: "Phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cần gắn với các hạ tầng tiện ích đi kèm như trường học, bệnh viện cũng như cơ hội việc làm cho họ. Có như vậy mới hướng tới đối tượng người có nhu cầu ở thực, tăng sự bền vững cho việc phát triển các dự án như vậy".

Để triển khai nhanh chóng đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây Dựng, nhận định: "Phương thức lựa chọn chủ đầu tư cần thông thoáng hơn, trong dự thảo này cũng tăng nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư hơn ví dụ bên cạnh 10% định mức thì cho phép người ta được sử dụng khu dịch vụ thương mại trong quy hoạch quỹ đất nếu có, hoặc các sàn thương mại trong các toà nhà chung cư, hạch toán riêng".

Bộ Xây dựng cũng cho biết dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn nhà ở xã hội. Với mục tiêu của Đề án thì mỗi năm, thị trường sẽ đón nhận thêm khoảng 100.000 - 110.000 căn nhà ở xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước