Rau quả chất lượng cao chinh phục thị trường
Thị trường tiêu thụ rau quả tiếp tục có nhiều thuận lợi trong 6 tháng đầu năm nay với kết quả khá ấn tượng: kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng đến 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Để có được chỗ đứng trên thị trường, điều mấu chốt nhất vẫn là chất lượng rau quả. Vì thế, nhiều vùng sản xuất giờ đây, nông dân đã chú ý nhiều hơn đến tiêu chuẩn chất lượng từng loại rau quả làm ra, gắn với yêu cầu của thị trường.
Nhiều trái trên một cây dưa lưới nhưng nông dân vẫn cắt tỉa, chỉ chừa lại một trái. Phải làm như vậy thì đến lúc thu hoạch, trái dưa lưới mới đạt chất lượng như mong muốn. Bất cứ một công đoạn nào trong suốt hai tháng trồng dưa lưới, cũng được thực hiện theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Tất cả không ngoài mục đích để những trái dưa lưới làm ra đúng theo yêu cầu của thị trường.
Nông trại này được Công ty TNHH Trang trại Sông Dinh đầu tư trên vùng đất khô hạn ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Ở đây, dưa lưới được trồng trong nhà kính theo quy trình canh tác Global GAP.
Anh Lê Trịnh Trường Giang - Phụ trách Kỹ thuật, Công ty TNHH Trang trại Sông Dinh cho biết: "Cách ly vườn, mình cách ly một thời gian nhất định để giảm thiểu tác động vườn cũ lên vườn sắp trồng. Sử dụng bẫy côn trùng để giảm bớt lưu lượng thuốc".
Không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, từ màu sắc, hình dáng bên ngoài cho đến độ ngọt bên trong- tất cả đều phải đạt tiêu chuẩn mà đối tác tiêu thụ yêu cầu. Thậm chí, có phân khúc thị trường yêu cầu cân nặng của trái dưa không quá 2 kg thì phía nông trại buộc phải can thiệp từ khâu canh tác.
Trước khi xuất bán ra thị trường, sản phẩm được kiểm tra. Kết quả kiểm tra được chuyển đến khách hàng.
Anh Lê Trịnh Trường Giang - Phụ trách Kỹ thuật, Công ty TNHH Trang trại Sông Dinh chia sẻ thêm: "Luôn luôn làm đạt theo yêu cầu khách hàng một cách tốt nhất về cân nặng, độ ngọt, bề mặt ngoài của sản phẩm được tối ưu nhất".
Giá bán loại dưa này bình quân 40.000 đồng/ kg, gấp đến chục lần so với dưa hấu ngoài ruộng. Chính chất lượng đã nâng giá trị cho nông sản.
TS. Phan Công Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố nêu ý kiến: "Các doanh nghiệp, các công ty, đơn vị phân phối phối hợp với cơ quan chức năng công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn, sản xuất theo hướng an toàn VietGAP, GlobalGAP đang được nhiều đơn vị quan tâm. Có như vậy, sản phẩm đầu ra mới ổn định được chất lượng".
Tại các tỉnh Nam Trung bộ, các trang trại công nghệ cao là những nơi đầu tiên chuyển hướng canh tác để nông sản làm ra đạt chất lượng theo những tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu. Kết quả mang lại là nông sản được tiêu thụ mạnh và được giá bán. Chính điều này thúc đẩy hướng sản xuất gắn với thị trường bằng những nông sản chất lượng, nhất là các mặt hàng rau quả mà thị trường càng ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng.
Nông dân dần chuyên nghiệp hơn, áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP
Liên kết sản xuất tạo chất lượng cho nông sản
Nông sản làm ra, bán được ngay và bán với giá cao - mong muốn là vậy nhưng tình cảnh chung của nhiều nông dân vẫn là "được mùa, mất giá". Đặc biệt, đối với mặt hàng rau quả, rất dễ bị ứ đọng khi vào mùa thu hoạch. Giải pháp để khơi thông thị trường cho rau quả vẫn phải khẳng định chất lượng, minh bạch về an toàn. Và để làm được điều này, liên kết giữa các doanh nghiệp với bà con nông dân theo chuỗi sản xuất là cách để khẳng định chất lượng các mặt hàng rau quả. Đây cũng là hướng đi ở vùng thanh long Bình Thuận.
Tỉa cành, bón phân hay phun thuốc, ngày nào, làm việc gì, ông Thạch cũng ghi chép lại trong sổ nhật ký. Thói quen này mang lại cho ông nhiều khoản lợi. Đầu tiên là nắm chắc chi phí đầu tư. Và quan trọng hơn là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái thanh long, mà có kiểm soát được thì mới tính đến chuyện xuất khẩu mặt hàng trái cây này.
Ông Lê Ngọc Thạch - Thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận chia sẻ: "Lô hàng của mình xuất đi, mình có chứng từ truy xuất nhật ký, lô nào mình làm gì mình biết. Nếu mình không ghi nhật ký thì sau này quên hết".
Ông Thạch là nông dân cốt cán của HTX Thanh long sạch Hòa Lệ ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. HTX này đã gắn kết những nông dân trong vùng để cùng thống nhất quy trình canh tác, đảm bảo chất lượng thanh long. Nông dân dần chuyên nghiệp hơn, áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. HTX đứng ra bao tiêu thanh long như là cách để giữ nông dân tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Đỗ Thanh Hiệp - Giám đốc HTX Thanh long sạch Hòa Lệ, Bình Thuận nhận định: "Phải giữ uy tín, tạo uy tín với các công ty xuất khẩu, từ đó phát triển lên. Người nông dân cũng nhận ra vấn đề: tham gia vào chuỗi thì có lợi thế hơn so với sản xuất riêng lẻ".
Đến lúc này, trong hơn 27.000 ha thanh long ở Bình Thuận, đã có hơn 10 ngàn ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đưa ra ý kiến: "Bón các loại phân hữu cơ, tưới nước kết hợp bón phân, quá trình sử dụng vật liệu đầu vào đó hay quá trình chăm sóc đó được theo dõi bằng sổ nhật ký điện tử, người sản xuất minh bạch sản phẩm thì người tiêu dùng chọn lọc sản phẩm mà chúng ta làm ra".
Mỗi năm, sản lượng thanh long ở Bình Thuận khoảng 600.000 tấn. 20% sản lượng được tiêu thụ ở thị trường nội địa và có đến 80% xuất khẩu sang Trung Quốc theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Vì vậy, định hướng sản xuất ở vùng thanh long Bình Thuận là không mở rộng diện tích mà tập trung đầu tư theo hướng nâng chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường. Chính sự gắn kết giữa nông dân với các HTX, các doanh nghiệp thu mua với sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan quản lý sẽ là con đường để khẳng định chất lượng, giữ vị thế của mặt hàng thanh long trên thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!