Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt hơn 20% kế hoạch. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Bộ Tài chính vừa ban hành văn bản số 5646 về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 4 tháng, ước thực hiện 5 tháng kế hoạch năm 2023.
Theo Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 809.245,8 tỷ đồng (vốn trong nước là 776.291,34 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng). Trong đó, kế hoạch vốn đã giao là 796.358,6 tỷ đồng (vốn trong nước là 764.429,1 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 31.929,4 tỷ đồng); kế hoạch vốn chưa giao là 12.887,2 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, tình hình triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương như sau: tổng số vốn đã phân bổ là 692.138,4 tỷ đồng, đạt 97,89% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (707.044,2 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 48.290,1 tỷ đồng. (Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) các địa phương giao tăng là 48.290,1 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là 643.848,3 tỷ đồng, đạt 91,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao).
Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 63.195,9 tỷ đồng, chiếm 8,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn trong nước là 61.535,3 tỷ đồng (vốn NSTW là 29.217,7 tỷ đồng, vốn cân đối NSĐP là 33.978,1 tỷ đồng), vốn ngoài nước là 1.660,5 tỷ đồng.
Cụ thể, Bộ, cơ quan trung ương: số vốn chưa phân bổ là 10.797,2 tỷ đồng, chiếm 5,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 10.737,9 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 59,3 tỷ đồng).
Các địa phương: số vốn chưa phân bổ là 52.398,7 tỷ đồng, chiếm 10,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 50.797,4 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.601,2 tỷ đồng).
Tỷ lệ ước giải ngân 5 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 20,80% kế hoạch
Theo Bộ Tài chính, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 22,22%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (22,37%); trong đó vốn trong nước đạt 22,64% (cùng kỳ năm 2022 đạt 23,53%), vốn nước ngoài đạt 12,02% (cùng kỳ năm 2022 đạt 6,26%).
Có 08 Bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (45,89%), Đồng Tháp (44,28%), Long An (40,06%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%).
Có 39/52 Bộ, cơ quan trung ương và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 05 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, trước đó Bộ Tài chính đã có văn bản số 5258 gửi các bộ, ngành địa phương hướng dẫn việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023.
Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thông báo danh mục, mức vốn cho các chủ đầu tư theo danh mục, mức vốn đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo đồng gửi Bộ Tài chính, đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương làm thủ tục chuyển nguồn tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch số vốn đã được thông báo kéo dài các dự án để làm căn cứ giải ngân vốn theo quy định.
Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đảm bảo đến ngày 31/12/2023 giải ngân hết số vốn được phép kéo dài đã được thông báo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!