Các thương hiệu ô tô hạng sang “đắt hàng” tại Hàn Quốc trong năm 2020 (Nguồn: Korea Times)
Sự bùng nổ của thị trường xe hơi cao cấp tại Hàn Quốc
Sau hơn 7 tháng chờ đợi, anh Hwang, 37 tuổi, giám đốc một công ty công nghệ nhỏ tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã có thể được trực tiếp lái thử chiếc Porsche Cayenne mới, màu đen bóng loáng với bộ ghế da đỏ sang trọng.
Dù Hàn Quốc vẫn đang trong thời kỳ chống dịch COVID-19 nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng háo hức của anh: "Đây là chiếc xe mơ ước của tôi. Công ty tôi không chịu nhiều ảnh hưởng từ COVID-19, nên tôi cũng không thấy có tác động lớn".
Anh Hwang chỉ là một trong số rất nhiều dân chơi xe tại Hàn Quốc đã có cơ hội thỏa mãn đam mê của mình thời gian gần đây. Kể từ khi dịch COVID-19 được kiểm soát tại Hàn Quốc, doanh số nhiều mặt hàng xa xỉ, trong đó có ô tô hạng sang, đã tăng vọt tại "xứ sở kim chi".
Chia sẻ với hãng tin Reuters, giám đốc Porsche Hàn Quốc Holger Gerrmann bình luận: "Đây sẽ là một trong những năm làm ăn tốt nhất của chúng tôi", khi trong 5 tháng đầu năm, công ty của ông đã ghi nhận doanh số tăng đến gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số Porsche tại Hàn Quốc tăng vọt kể từ đầu năm (Nguồn: Reuters)
Nhiều thương hiệu xe cao cấp khác cũng chứng kiến những bước nhảy tương tự tại thị trường Hàn Quốc. "Chú bò" Lamborghini của Italy báo cáo doanh số tăng gấp 4 lần trong 5 tháng đầu năm. Còn với ông lớn BMW của Đức, Hàn Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường số 1 về dòng 5 Series.
Tăng trưởng các thương hiệu ô tô cao cấp tại Hàn Quốc tháng 1-5/2020: Porsche: +46% Lamborghini: +300% BMW: +46% |
Tính toàn thị trường Hàn Quốc, doanh số nhập khẩu các dòng xe siêu cao cấp, giá từ 82.511 USD trở lên đã tăng đến 70%. Ở chiều ngược lại, doanh số các dòng xe nhỏ lại giảm 10%.
Ngay cả với những thương hiệu nội địa Hàn Quốc như Hyundai, doanh số các dòng cao cấp cũng đang cao hơn so với dòng phổ thông và tầm trung, theo các số liệu mới được Reuters thống kê.
Vì sao người Hàn Quốc nổi "cơn sốt" hàng xa xỉ hậu COVID-19?
Làn sóng mua ô tô cao cấp tại Hàn Quốc cũng làm người ta liên tưởng đến hình ảnh tương tự tại các cửa hàng Chanel hay LV hồi tháng trước khi có những người đến từ 5h sáng chỉ để xếp hàng mua cho được một chiếc túi xách hàng hiệu.
Từ sau khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, Hàn Quốc lại trở thành điểm nóng nhưng không phải của dịch bệnh mà của những tín đồ ưa thích hàng hiệu.
Đám đông xếp hàng trước cửa hàng Chanel ở Seoul, Hàn Quốc (Nguồn: Reuters)
Một nguyên nhân được đưa ra là việc các mặt hàng xa xỉ đang có nhiều dấu hiệu sẽ sớm khan hiếm và tăng giá thời gian tới, do dịch vẫn diễn biến phức tạp ở Mỹ và châu Âu làm gián đoạn nguồn cung. Chẳng hạn Chanel đã tăng giá các sản phẩm từ 5-17% kể từ cuối tháng trước để bù đắp các chi phí. Điều này càng tạo ra cơn sốt trong các tín đồ để sớm sở hữu những món đồ yêu thích trước khi chúng trở nên đắt đỏ hơn.
Nhiều người, nhất là giới có thu nhập cao, cũng xem đồ xa xỉ là một món đầu tư hấp dẫn so với những tài sản như nhà đất, vốn ngày càng trở nên xa vời tại Hàn Quốc. Ông Ro Chang Whan, một nhà môi giới xe tại Seoul trả lời phỏng vấn của Reuters cho hay: "Đầu thập niên 2000, một chiếc BMW 320 có giá ngang với một căn hộ ở khu Gangnam. Nhưng kể từ đó giá bất động sản đã tăng chóng mặt, nên mua xe là quyết định thực tế hơn, vừa túi tiền".
Những góc khuất đằng sau "cơn sốt" hàng hiệu ở Hàn Quốc
Tuy nhiên, cơn sốt hàng hiệu cũng đặt ra nhiều câu hỏi về mặt trái trong xã hội Hàn Quốc. Một vấn đề được Reuters nhắc đến là nó một lần nữa thể hiện khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, đặc biệt khi dịch COVID-19 bùng phát và gây tác động lên tầng lớp trung lưu và những hàng quán nhỏ.
Hàn Quốc hiện là một trong những nền kinh tế phát triển có mức độ bất bình đẳng thu nhập trầm trọng nhất. Tính từ đầu năm, thu nhập bình quân hàng tháng của 20% hộ gia đình giàu nhất nước này đã tăng 6%, nhờ vào sự tăng giá mạnh của thị trường chứng khoán và nhà đất. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 cũng lên mức cao nhất trong 10 năm, chủ yếu rơi vào nhóm lao động thu nhập thấp.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt do dịch bệnh vẫn không ngăn được người trẻ Hàn Quốc chi tiêu hàng hiệu (Nguồn: Reuters)
Ông Yang Jun Ho, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Incheon, nhận định: "Doanh số xe hạng sang gia tăng cho thấy giới nhà giàu đang thể hiện sức mạnh tiêu dùng của mình trong xã hội bất chấp thời kỳ dịch bệnh".
Làn sóng hàng hiệu cũng bị cảnh báo là có thể gây vỡ bong bóng nợ tiêu dùng tại Hàn Quốc, vốn đã lên mức cao kỷ lục trong những năm gần đây. Đặc biệt ở giới trẻ nước này, "chi tiêu để xả stress" với tâm lý "đằng nào cũng không thể tiết kiệm cho tương lai" đang trở thành một xu hướng rõ rệt, bất chấp khả năng tài chính và mức độ sẵn sàng ứng phó với các biến động bất ngờ./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!