Nguy cơ mất thương hiệu khoai tây Đà Lạt
Hàng loạt vùng trồng khoai lang trên cả nước rơi vào cảnh ứ đọng, rớt giá đang là câu chuyện nóng trên thị trường nông sản những ngày qua. Không chỉ khoai lang mà nhiều nông sản khác, kể từ sau Tết đến nay liên tục gặp khó khăn về tiêu thụ. Như mặt hàng khoai tây Đà Lạt, không chỉ giá cả bấp bênh mà nguy cơ mất thương hiệu là rất dễ xảy ra bởi áp lực từ khoai tây ngoại nhập giá rẻ trên thị trường.
10 ngày nữa, ông Lê Thân - Xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng sẽ thu hoạch khoai tây. Nhưng lúc này, ông đã lo lắng. Một phần năng suất khoai tây không cao do nắng hạn và đáng ngại hơn, giá khoai tây dưới 10.000 đồng/ kg. Theo tính toán của nông dân, sau khi trừ chi phí đầu tư, để có lãi, ít nhất 1 kg khoai tây bán ra phải được 15.000 đồng. Nhưng, thời điểm hiện tại, không thể nào có được mức giá này.
Ông Lê Thân cho biết, giá 10.000 đồng là do khoai Trung Quốc nhập vào Việt Nam nhiều nên ép giá khoai trong nước xuống.
Khoai tây Đà Lạt ngon có tiếng. Giá bán, đương nhiên cao hơn so với khoai tây trồng ở những nơi khác. Thế nhưng, càng về sau, các thương lái càng không mặn mà thu mua khoai tây Đà Lạt. Lý do khoai tây Trung Quốc nhập về Việt Nam, khi đến chợ, giá cũng chỉ 5.000 – 6.000 đồng/ kg. Giá rẻ nên dễ tiêu thụ, các thương lái hoặc chỉ mua khoai tây Đà Lạt với số lượng ít hoặc ép giá thu mua khoai tây Đà Lạt xuống thấp.
Ông Nguyễn Đức Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng nhận định: "Hiện tại, có ba hợp tác xã nhưng thu mua qua các hợp tác xã ít, không nhiều, trong khi sản lượng bà con, nếu là vụ đông xuân thì 4.000 – 5.000 tấn, thành ra phụ thuộc vào tư thương nhiều".
Các vựa thu mua khoai tây đều khẳng định tất cả chỗ khoai tây này đều là khoai tây Đà Lạt. Thế nhưng, đây là điều không dễ xác định, bởi khoai tây từ vườn đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu với nhiều người trung gian mua đi bán lại. Người tiêu dùng lại không dễ phân biệt khoai tây Trung Quốc với khoai tây Đà Lạt.
Kết cục là nông dân trồng khoai tây rơi vào cảnh lao đao. Về giá, không thể cạnh tranh so với khoai tây ngoại nhập. Về chất lượng, khoai tây Đà Lạt cạnh tranh được nhưng lại không có cách gì để minh bạch chất lượng.
Ông Nguyễn Đức Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng cho biết thêm: "Cũng không có nhiều người phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai tây Trung Quốc, họ nghĩ khoai tay nào giá vừa phải, rẻ thì người ta mua".
Như vậy, những vùng trồng khoai tây có tiếng như xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt, trước đây mỗi năm có 150 ha khoai tây thì nay chỉ còn khoảng 40 ha. Nhiều nông dân, dù gắn bó lâu năm với khoai tây, nay cũng đành phải chuyển sang các loại rau khác. Với đà này, nhiều người lo ngại, thương hiệu khoai tây Đà Lạt khó mà giữ vững khi diện tích thu hẹp mà chất lượng lại hay bị trà trộn, nhập nhằng.
Các thương lái không mặn mà thu mua khoai tây Đà Lạt
Liên kết sản xuất khoai tây gắn với trách nhiệm
Mất giá, khó tiêu thụ - câu chuyện không mới nhưng điều đáng nói là nông dân luôn ở thế bị động, bị thị trường chi phối và chịu ảnh hưởng từ hàng ngoại nhập giá rẻ. Để giữ được thương hiệu khoai tây Đà Lạt, cần chủ động sản xuất gắn với thị trường. Nghĩa là nông dân xác định rõ, cần sản xuất với sản lượng bao nhiêu, chất lượng thế nào và tiêu thụ ở đâu? Theo cách làm này, tỉnh Lâm Đồng đã định hình mô hình liên kết sản xuất khoai tây. Nông dân, một khi tham gia vào chuỗi liên kết đã thoát khỏi nỗi lo đầu ra và dần trở thành những nông dân sản xuất chuyên nghiệp, sản xuất có trách nhiệm.
Ruộng khoai tây của gia đình ông Lê Ngọc Hòa - xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng trong ngày thu hoạch, không cần ngược xuôi tìm thương lái thu mua như những nông dân khác. Ông Hòa chỉ lo mỗi việc là làm sao thu hoạch nhanh khoai tây để tất cả khoai tây sẽ được chuyển đi bởi doanh nghiệp mà ông Hòa đã liên kết sản xuất.
Ông Hòa chia sẻ, khoai tây ở bên ngoài giá bấp bênh, không ổn định còn công ty thu mua thì giá ổn định hơn.
Hiện đã có không dưới 100 nông hộ ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng sản xuất khoai tây liên kết với hai doanh nghiệp là Công ty PepsiCo Việt Nam và Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina.
Ông Đỗ Văn Tường - xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng tham gia vào tổ hợp tác trồng khoai tây ở xã Tu Tra. Mỗi tổ hợp tác có từ 10- 15 nông hộ, quy mô diện tích khoảng 16 ha. Nông dân liên kết với doanh nghiệp để sản xuất khoai tây, không chỉ được hỗ trợ canh tác mà ưng ý nhất là toàn bộ khoai tây đều được tiêu thụ với mức giá thống nhất từ đầu vụ.
Ông Tường tâm sự, mình làm sản phẩm ra, công ty thu mua hết, không có chuyện bị ép giá.
Tham gia liên kết sản xuất, những nông dân trồng khoai tây ở Tu Tra không còn phải lo về đầu ra. Ngược lại, chất lượng khoai tây làm ra phải theo những quy chuẩn từ phía công ty. Công việc này được nông dân thực hiện một cách nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn An - Xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng nêu ý kiến: "Nếu thối một củ thì có bao nhiêu bao thì họ nhân cấp số nhân lên nên phải lựa thật kỹ. Mình phải có trách nhiệm, thứ nhất không bán ra ngoài. Ở ngoài có nhiều năm có thể cao hơn công ty 4.000 – 5.000 đồng/kg nhưng dân không dám bán vì nếu bán là sang năm không làm được với công ty".
Bà Huỳnh Thị Dạ Thảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng đưa ra ý kiến: "Từ khi có liên kết với công ty, công ty thường xuyên tổ chức buổi hội thảo, tập huấn quy trình kỹ thuật trồng trọt nên tạo được sự thay đổi thói quen canh tác đối với bà con nông dân".
Thấy được những khoản lợi nên càng về sau, càng có nhiều nông dân ở xã Tu Tra tham gia vào chuỗi liên kết, giữ ổn định diện tích khoai tây khoảng 200 ha. Quan trọng hơn, chất lượng khoai tây liên tục được nâng lên và đây cũng là cách để những nông sản có thế mạnh ở Lâm Đồng như khoai tây vươn tầm thương hiệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!