Mỗi tháng tiết kiệm được 5 triệu đồng thì bao giờ mới mua được nhà
Anh Ngô Văn Tuấn (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, vợ chồng anh vẫn ước ao có một ngôi nhà ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, giấc mơ ấy ngày càng xa vời khi giá nhà đất tăng phi mã trong thời gian qua.
Người thu nhập thấp tại TP Hồ Chí Minh rất khó mua được nhà vì giá bất động sản tăng phi mã.
Anh Tuấn đang lái xe cho một công ty nước ngoài với thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm nhân viên văn phòng trong một công ty nội thất với thu nhập 8 triệu đồng/tháng.
Tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ 18 triệu đồng/tháng khiến anh chưa dám nghĩ đến việc mua nhà. Hiện tại, mỗi tháng, vợ chồng anh chi hơn 4 triệu đồng cho tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền internet. Dù đã tiêu pha dè sẻn nhưng mỗi tháng, vợ chồng anh chỉ tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng.
"Do chúng tôi chưa có con nên còn tiết kiệm được chút đỉnh. Nếu có con thì khoản tiền tiết kiệm mỗi tháng sẽ dành cho con. Điều này khiến việc mua nhà càng bất khả thi", anh Tuấn nói.
Cũng theo anh Tuấn, năm 2015, thu nhập của anh là 8 triệu đồng/tháng, khi đó, giá một căn nhà vùng ven TP Hồ Chí Minh chỉ từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/căn. Sau 6 năm, thu nhập của anh tăng lên khoảng 25% nhưng giá một căn nhà đã tăng 300 - 400% so với trước.
"Bây giờ, muốn mua được một căn nhà phố ở vùng ven như quận 9, quận 12 hay huyện Bình Chánh thì phải có khoảng 3 tỷ đồng. Nếu mua chung cư, chúng tôi cũng phải có 2 tỷ đồng mới mua nổi. Với thu nhập như hiện nay thì hai vợ chồng phải tiết kiệm vài chục năm mới mua được nhà. Trong khi đó, giá nhà đất lại không ngừng tăng, việc sở hữu nhà ở TP Hồ Chí Minh lại càng trở nên xa vời", anh Tuấn chia sẻ.
Nhiều người dân thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng cũng khó sở hữu nhà tại TP Hồ Chí Minh và vẫn phải đi thuê nhà hàng tháng.
Anh Trần Minh Công (30 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết, anh đang là nhân viên kinh doanh cho một công ty bất động sản với mức lương cứng là 7 triệu đồng, cộng với tiền hoa hồng từ việc bán sản phẩm thì mỗi tháng anh kiếm được từ 14 - 16 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau 8 năm ở TP Hồ Chí Minh, anh vẫn chưa thể mua được nhà và vẫn phải đi ở trọ.
Theo anh Công, do làm trong ngành bất động sản nên anh càng hiểu rõ việc sở hữu nhà tại TP Hồ Chí Minh là khó như thế nào. "Thu nhập của tôi chỉ đủ trả tiền nhà trọ, chi phí xăng xe, tiếp khách hàng, chạy quảng cáo trên các website, mạng xã hội… Nhiều tháng không bán được sản phẩm, chỉ có mỗi lương cứng, tôi phải vay mượn thêm để trang trải cuộc sống".
"Ai cũng ước mơ có một ngôi nhà cho riêng mình nhưng hiện tại, tôi chưa dám nghĩ đến điều đó", anh Công nói.
Anh Công cho rằng, người có thu nhập ổn định trên 30 triệu đồng/tháng mới nên nghĩ đến việc sở hữu nhà tại TP Hồ Chí Minh. Bởi, mức thu nhập này mới đủ trả tiền lãi vay ngân hàng và các khoản chi phí khác. Tất nhiên, người mua cũng phải có khoản tiết kiệm, vay mượn nhất định trên dưới 1 tỷ đồng.
Nhà giá rẻ đang "biến mất" trên thị trường nhà ở tại TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ có anh Tuấn, anh Công mà hàng trăm ngàn người ở TP Hồ Chí Minh vẫn ao ước có một căn nhà ở đô thị phát triển bậc nhất Việt Nam. Còn các doanh nghiệp cũng vấp phải nhiều khó khăn.
Vì sao giá nhà cứ tăng?
Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, việc sở hữu nhà đang là điều xa xỉ đối với nhiều người dân có thu nhập thấp. Hiện nay, giá nhà tăng mạnh do 2 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất là nhiều người có tiền "không biết làm gì" nên đã đầu tư vào bất động sản khiến giá ngày một tăng. Nguyên nhân thứ hai là do các chính sách, thủ tục hành chính kéo dài.
"Doanh nghiệp đề ra mục tiêu 2 năm phải làm xong dự án. Tuy nhiên, các chính sách, thủ tục kéo dài đã khiến doanh nghiệp phải mất 5 năm mới hoàn thành dự án. Thời gian chờ đợi kéo dài thêm 3 năm này sẽ phát sinh thêm lãi suất ngân hàng và phần lãi này sẽ cộng vào giá bán nhà khiến giá tăng lên", ông Trung nói.
Theo ông Trung, muốn giá nhà giảm thì buộc chi phí đền bù phải giảm, chi phí tài chính của doanh nghiệp phải giảm. Điều này cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước.
"Nhà nước tính toán giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như chi phí tài chính, lãi suất… thì chúng tôi mới giảm giá đầu ra cho các sản phẩm được. Nếu không, giá nhà vẫn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới", ông Trung chia sẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá nhà vẫn tiếp tục tăng một phần do nguồn cung nhà giá rẻ đang dần biến mất. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không mặn mà với phân khúc này do lợi nhuận thấp, chi phí đầu tư cao.
Tiến sĩ Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Hoàng Quân Group, cho biết hiện nay doanh nghiệp ông được biết đến là doanh nghiệp làm nhà ở xã hội lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, việc tập trung làm nhà ở xã hội đã khiến đơn vị này có lợi nhuận rất thấp, cổ phiếu của doanh nghiệp không hấp dẫn cổ đông và nhà đầu tư.
"Gần đây, "sốt" đất xảy ra khắp nơi, một doanh nghiệp nhỏ có thể kiếm ngay lợi nhuận 100% tại một dự án. Trong khi đó, chúng tôi vẫn chỉ có lợi nhuận khoảng 10%. Chính vì vậy, trong tương lai, chúng tôi sẽ phải làm thêm các dự án nhà ở thương mại giá trung bình để tăng lợi nhuận", ông Tuấn nói.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) - nhận định, giá nhà tăng mạnh một phần là do sụt giảm mạnh nguồn cung dự án nhà ở, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
Chính vì vậy, HoREA đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý đồ "đầu cơ" của nhà đầu tư "lướt sóng".
Người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến, tùy theo số lượng nhà đất sở hữu.
Ông Châu cũng cho rằng, cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất, nhưng chậm đưa đất vào sử dụng với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý đồ "găm giữ" đất và chống đầu cơ đất đai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!