Theo chia sẻ trên báo Diễn đàn doanh nghiệp, một chủ tài khoản ngân hàng bất ngờ nhận được khoản tiền chuyển khoản 30 triệu đồng với ghi chú "vay 30 triệu đồng trong 45 ngày".
Rà soát không biết ai gửi tiền, sau đó chủ tài khoản này nhận được một cuộc điện thoại với nội dung chuyển nhầm và đề nghị trả lại số tiền. Tuy nhiên, người gọi điện không cung cấp được thông tin chủ tài khoản, ngân hàng chuyển hoặc các giấy tờ chứng mình giao dịch.
Qua trao đổi với cơ quan công an và luật sư, hình thức lừa đảo có tổ chức này đang diễn ra khá nhiều. Nếu người nhận ngay lập tức trả tiền lại thì trước mắt sẽ không bị gì, nhưng sau đó hết thời hạn 45 ngày, đối tượng chuyển nhầm tiền sẽ xuất hiện và đòi khoản tiền 30 triệu đồng cùng tiền lãi "cắt cổ". Thậm chí nếu không trả, các đối tượng sẽ quấy phá vì chỉ cần có bằng chứng có nhận tiền, là có nợ.
Để đảm bảo an toàn, người nhận tiền chuyển nhầm như trên cần tuyệt đối không chuyển hoàn cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng, tránh bị phiền toái sau này.
Có lý do để nền kinh tế đảo chiều từ nhập siêu sang xuất siêu?
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Tuy nhiên, có nhiều lý do để nền kinh tế đảo chiều từ nhập siêu sang xuất siêu, bài viết trên Thời báo Kinh doanh. Chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường giảm giai đoạn nửa cuối năm, trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào gia đoạn này, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản…
Dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các nước như Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đưa ra lo ngại, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố là khu vực sản xuất hàng hóa lớn như Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh…
Doanh nghiệp và công nhân "gồng mình" gánh phí xét nghiệm COVID-19
Việc tỉnh Bình Dương và Đồng Nai quy định người đến từ TP Hồ Chí Minh phải có giấy xét nghiệm âm tính đang khiến nhiều công nhân gặp khó. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Việc tỉnh Bình Dương và Đồng Nai quy định người đến từ TP Hồ Chí Minh phải có giấy xét nghiệm âm tính đang khiến nhiều công nhân tại các khu công nghiệp gặp khó. Theo tờ Kinh tế Sài Gòn online, công nhân sống tại Bình Dương đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh cho biết nếu không có giấy xét nghiệm thì không thể đi qua các chốt kiểm soát.
Trong khi chi phí cho mỗi lần xét nghiệm PCR là 734.000 đồng, nhưng giấy xét nghiệm chỉ có hiệu lực trong 3 ngày. Doanh nghiệp cũng chỉ hỗ trợ chi phí xét nghiệm 2 lần. Có công nhân phải trả chi phí xét nghiệm trong một tháng đến 2,3 triệu đồng.
Ngoài ra, Bình Dương và Đồng Nai còn quy định thời hạn của giấy xét nghiệm khác nhau, 1 nơi thì 3 ngày, 1 nơi thì 7 ngày. Do vậy, không ít công nhân đã phải tính đến việc thuê trọ ở tạm tại nơi làm việc hoặc tạm xin nghỉ việc để chờ gỡ giãn cách xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!