Giá tiêu dùng được kiểm soát tốt

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 09/08/2024 05:30 GMT+7

VTV.vn - Bình quân 7 tháng, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Mức này thấp hơn so với dự liệu trước đó, giúp nới rộng dư địa kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại.

Trong tháng 7, lương cơ sở đã tăng, nhưng cho đến thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng tăng không đáng kể. Tháng 7 chỉ tăng 0,48% so với tháng trước. Đây là tín hiệu tích cực đối với sự ổn định của kinh tế vĩ mô và nền kinh tế trong những tháng tới.

Lượng thịt lợn tiêu thụ bình quân theo đầu người của Việt Nam khoảng 32kg/năm. Vì thế, trong giỏ hàng hoá tính chỉ số giá tiêu dùng, thịt lợn là mặt hàng không thể bỏ qua.

Trong tháng 7, giá của nhóm thực phẩm nói chung gần như không có biến động, khi tác động chưa tới 0.1 điểm % vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Riêng nhóm lương thực còn giảm giá nhờ nguồn cung ổn định.

"Cung và cầu đều ổn định cho người dân vào mua, giá cả thị trường đều bình ổn, không xáo trộn để cho người dân cảm thấy lo lắng", bà Nguyễn Thị Tú Anh - Cán bộ Phòng Kinh doanh, Chợ đầu mối phía Nam Hà Nội cho hay.

Nguyên nhân chính tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 là do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cao và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới.

Bình quân 7 tháng, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Mức này thấp hơn so với kịch bản được dự liệu trước đó, giúp nới rộng dư địa kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết: "Khi kết thúc 6 tháng đầu năm thì dư địa để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm nay ở mức 4,5% thì 6 tháng cuối năm bình quân mỗi tháng là có thể tăng 4,9%. Tuy nhiên tháng 7 vừa rồi chúng ta chỉ tăng 4,36% cho nên dư địa cho năm tháng còn lại của năm được nới rộng hơn ở mức bình quân mỗi tháng là khoảng 5%".

"Việt Nam đã kiểm soát tốt lạm phát khi sớm đưa ra nhiều kịch bản ứng phó, điều tiết tốt giá cả. Dù vậy, trên thế giới đang xuất hiện thêm những rủi ro mới tiềm ẩn nguy cơ tác động lớn đến nguyên nhiên liệu đầu vào", bà Yun Liu - Khối Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC cho hay.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới đây, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu theo dõi sát và thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hóa thiết yếu, để đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 nhiều hơn, bao trùm hơn, toàn diện hơn năm 2023.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước