Giá thu mua tăng cao, cơ hội và thách thức của ngành cà phê Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 17/04/2024 12:18 GMT+7

VTV.vn - Tiếp nối chuỗi đà tăng giá từ tháng 10/2023, giá cà phê thu mua trong nước những ngày qua tiếp tục tăng cao.

Giá cà phê tiếp tục tăng cao

Tiếp nối chuỗi đà tăng giá từ tháng 10/2023, giá cà phê thu mua trong nước những ngày qua tiếp tục tăng cao. Chỉ trong 6 tháng đã tăng gấp 3 lần. Giá cà phê tăng từng ngày và hiện ở mức cao nhất trong hàng chục năm qua.

Giá cà phê nhân xô đang ở mức cao kỉ lục. Nếu như tháng 3/2023, mức giá chỉ 47.000 đồng/ kg, đến tháng 10/2023 giá dao động 58.000 đồng/ kg, còn thời điểm hiện tại - tháng 4/2024, mức giá đã vượt mức 110.000 đồng/ kg.

Người được cho là hưởng lợi nhiều nhất khi giá cà phê đang lập đỉnh chính là nông dân. Nhưng với tâm lý của người dân, khi giá cà phê tăng từ 50.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg chỉ trong vài tháng, chẳng mấy ai còn dự trữ số lượng lớn.

Khoảng 10 năm qua (2013 - 2023), giá cà phê duy trì mức thấp dẫn đến một số nông dân chặt bỏ, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Diện tích cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên giảm nhiều nhưng chưa được khảo sát, đánh giá cụ thể dẫn đến nhận định sai về tổng sản lượng.

Hiện tượng El nino khiến cà phê trên thế giới bị mất mùa, do vậy sản lượng dự trữ cà phê thế giới bị sụt giảm nhiều. Điều này dự báo giá cà phê sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Doanh nghiệp cà phê đối diện thách thức

Giá cà phê tăng cao, trước hết là phải mừng cho người trồng cà phê Việt Nam, vốn chỉ bán được với giá dưới 50.000 đồng/kg trong một thời gian dài.

Nhưng với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam, từ các đại lý thu mua tới nhà cung ứng, xuất khẩu, thương mại, rang xay, việc giá tăng nhanh và quá cao cũng đang gây ra nhiều thách thức. Và thậm chí cũng bộc lộ cả tính thiếu bền vững của cà phê Việt Nam.

Trước thực trạng giá cà phê liên tục tăng, nhiều công ty buộc phải mua với giá cao để có hàng, kịp giao cho các đối tác đã ký kết trước đó. Nhưng không chỉ giá cao, doanh nghiệp cũng đứng ngồi không yên khi còn có cả trường hợp nông dân đã không giao hàng dù hợp đồng đã được ký từ trước.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group chia sẻ: "Có hai vấn đề. Một là các hợp đồng đã ký, họ cũng mua lại của các nhà cung cấp. Và một tỷ lệ lớn các nhà cung cấp không giao hàng, nên các nhà xuất khẩu đang vật lộn".

Doanh nghiệp nào không có vốn lớn, lại phải xoay sở bằng cách cắt giảm công suất.

Giá thu mua tăng cao, cơ hội và thách thức của ngành cà phê Việt Nam - Ảnh 1.

Dự báo giá cà phê sẽ còn tiếp tục tăng cao

Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk cho biết: "Doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình, giảm xuống 15%, thay vì kinh doanh 125.000 tấn, chúng tôi giảm xuống kinh doanh 105.000 tấn để kiểm soát rủi ro tốt hơn. Bên cạnh đó, với giá tăng như vậy cần có một nguồn vốn nhiều, thay vì trước kia 100 triệu mua được 2 tấn thì nay 100 triệu mua được 1 tấn, dẫn tới chi phí tài chính lớn, cần vốn nhiều nên việc điều tiết lại kế hoạch kinh doanh là cần thiết để giảm chi phí tài chính".

Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà nhiều đơn vị FDI cũng ngồi trên đống lửa. Khi một số nhà cung ứng Việt Nam đã không giao hàng đúng theo hợp đồng, doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng tìm mua cà phê robusta từ các thị trường khác.

Trong cuộc họp mới đây do Hiệp hội Cà phê - Ca cao tổ chức, các doanh nghiệp cảnh báo, với tình trạng này các nhà rang xay trên thế giới có thể chuyển sang mua cà phê ở nước khác.

Ông B.Aditya - Quản lý Thu mua, Công ty Cà phê CCL Products India Ltd nêu ý kiến: "Hiện nay, chúng tôi phải thay đổi chiến lược nhập cà phê về để thay thế cà phê robusta của Việt Nam. Đây là điều chúng tôi không lường trước được. Cả chuỗi ngành hàng đang bị phá vỡ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cà phê Việt Nam".

Đại diện Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam còn chia sẻ, đã từng nhận được lá thư của các đối tác lo ngại vấn đề chữ tín trong kinh doanh của nhà cung ứng Việt Nam, khi không tuân thủ hợp đồng đã ký kết. Đây là điều lịch sử ngành cà phê Việt Nam chưa từng xảy ra. Hành vi này đang làm tổn hại lớn đến uy tín của cà phê nước ta và dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Giữ uy tín cho ngành cà phê Việt Nam

Trước tình hình đó, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng, cần phải tìm ra giải pháp để đảm bảo sự bền vững của chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam, thực thi các hợp đồng đã ký kết và ổn định giá cà phê Việt Nam ở mức hài hòa lợi ích của nông dân, đại lý, nhà cung ứng, nhà xuất khẩu, nhập khẩu cho đến người tiêu dùng trên thế giới.

Những tháo gỡ về vốn, cấu trúc lại các hoạt động thu mua, liên kết là những đề xuất hiện được đưa ra.

Một trở ngại lớn với các doanh nghiệp hiện nay trước việc giá cà phê tăng cao là thiếu vốn để thu mua nguyên liệu, nên muốn gỡ nút thắt này, các chuyên gia cho rằng ngân hàng cần tăng hạn mức cho vay và ưu tiên lãi suất cho các doanh nghiệp cà phê. Có như vậy, họ mới đủ nguồn vốn để thu mua cà phê và giao cho các đối tác đúng như cam kết, tránh tình trạng bẻ kèo, gây mất uy tín của ngành cà phê Việt trên trường quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Bình - Chuyên gia cà phê đưa ra nhận định: "Có những gói hỗ trợ của ngân hàng Trung ương đối với doanh nghiệp thông qua các ngân hàng thương mại. Hiện nay, tiền là trên hết, đó là điểm thứ nhất. Thứ hai, cấu trúc lại các hoạt động thu mua ở trong nước".

Giá cà phê tăng cao, đó là điều đáng mừng. Song nhiều chuyên gia cũng thừa nhận, việc phát triển còn thiếu tính bền vững. Giá tăng kích thích nông dân chạy theo những lợi ích ngắn hạn. Vấn đề quan trọng là cần sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: "Khi đồng ý mua thì ta bán, đồng ý bán thì ta mua. Chúng ta chưa có hợp đồng nào chia sẻ mức độ lợi nhuận hoặc rủi ro với nhau. Do đó, chúng tôi nghĩ liên kết là hết sức quan trọng".

Về lâu dài, việc ổn định sản lượng cà phê Việt Nam sẽ là cơ sở rất quan trọng để giữ vị thế của cà phê trên thị trường thế giới và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành cà phê. Như niên vụ cà phê 2022-2023, Việt Nam đã phải nhập khẩu 200.000 tấn cà phê do nguồn cung trong nước bị thiếu hụt. Năm nay, tình trạng này có thể gia tăng do tồn kho trong nước đang cạn dần, trong khi còn đến 6 tháng nữa mới vào thu hoạch vụ mới. Đây tiếp tục là một thách thức không nhỏ mà ngành cà phê Việt Nam phải đối diện, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD trong năm nay.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong nửa năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 triệu tấn cà phê, sản lượng tồn kho ước chỉ còn khoảng 300.000 tấn. Như vậy, khả năng chỉ 2 tháng nữa Việt Nam cũng không còn nguồn cung. Trong khi đó, niên vụ mới đến tháng 10 mới bắt đầu thu hoạch.

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cũng cho biết, sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành để có các giải pháp về phát triển cà phê bền vững cho bà con nông dân bám nghề, cũng như giải pháp tài chính giúp doanh nghiệp thu mua ổn định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước