Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Công thương, các hiệp hội và doanh nghiệp đánh giá tình hình thị trường, triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu. Những biện pháp này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bình ổn thị trường thịt lợn, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn.
Theo một số trang trại chăn nuôi lớn tại Hà Nội, giá lợn hơi tuần trước ở mức 78.000 đồng/kg, nhưng sang tuần này đã giảm nhanh khi hôm nay xuống dưới 69.000 đồng/kg.
Bà Ngô Thị Chinh - Xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Nhiều bà con găm lại chưa bán. Nhưng sang đến tuần này, xu hướng trong dân găm nhiều, giá biến động xuống, bà con lại bán nhiều".
Trong những ngày qua, dù giá lợn tăng nhưng người chăn nuôi chỉ hưởng khoảng 25-30% trong giá bán lẻ. Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đến thời điểm này, tổng đàn lợn cả nước đạt gần 30 triệu con, cho thấy nguồn cung thịt lợn đang dần ổn định.
Tuy nhiên, giá bán hiện hạ rất chậm, phần lớn lợi nhuận rơi vào khâu trung gian từ thương lái đến hệ thống phân phối. Đây là nguyên nhân khiến thị trường thịt lợn méo mó, người tiêu dùng phải trả giá cao nhưng người làm ra sản phẩm lại không lãi nhiều khi giá tăng.
Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam chia sẻ: "Vẫn đáp ứng đủ nhưng thực tế, các cơ sở chăn nuôi đều nói rằng, số liệu đó không phản ánh đúng thực tế. Tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải có một khảo sát, một điều tra, thống kê số liệu thực tế chứ không thể báo cáo trên con số sổ sách từ đầu đàn lợn cứ thế phát triển, bảo đảm cung cầu thì không đúng".
Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định: "Chúng tôi cam kết và đảm nhận đảm bảo về mặt nguồn cung, giá là thị trường. Hiện nay, việc quan trọng nhất ở Việt Nam là để ổn định được giá, chúng ta phải làm được liên kết chuỗi sản xuất từ người sản xuất đến người tiêu dùng ".
Từ trang trại đến bàn ăn, hành trình của một miếng thịt lợn không chỉ là câu chuyện giá cả, mà còn là thước đo của sự ổn định thị trường, của năng lực quản lý và phản ứng chính sách kịp thời. Đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên, đó là chìa khóa để ổn định từ bữa cơm mỗi nhà đến kinh tế vĩ mô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!