Vì vậy, muốn mua được nhà sẽ phải vay mượn, sau đó trả nợ trong nhiều năm. Mức giá bán nhà ở xã hội những ngày qua cũng đang là vấn đề được nhiều gia đình công nhân quan tâm.
Vợ chồng anh Đức thuê phòng trọ đã hơn 10 năm, giá 1,2 triệu đồng/tháng. Với tổng thu nhập 20 triệu mỗi tháng của 2 vợ chồng, anh phải gửi 2 con về quê để nhờ ông bà nội chăm nuôi ăn học.
Tìm hiểu về nhà ở xã hội có mức giá 15 - 20 triệu đồng/m2, 1 căn hộ 60 m2 cũng có giá 900 triệu, anh Đức cho rằng chưa phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
"Trừ hết tiền nhà và ăn uống thì tối thiểu gọi là ăn dè tiết kiệm thì may ra còn được một nửa tiền. Khu công nghiệp Bắc Thăng Long này tới thời điểm này không có 1 người công dân nào vượt quá 20 triệu 1 tháng. Trả góp tối thiểu đã mất hết tiền lương, do đó không phù hợp", anh Nguyễn Việt Đức, Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội, chia sẻ.
Hiện quy định mức vốn vay để mua nhà ở xã hội tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng thuê - mua nhà, trong thời gian tối thiểu 15 năm. Tuy nhiên để vay được khoản tiền này, người thuê, mua nhà phải có đủ các điều kiện chứng minh thu nhập ổn định, khá ngặt nghèo, phức tạp.
Một dự án nhà ở xã hội ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: PLO)
"Thực tế đúng là chính sách nó cũng có vấn đề khi chúng ta cho người nghèo nhất, thu nhập khó khăn được mua nhà, nhưng đến khi thông qua các cái ngân hàng thương mại thì gần như phải chứng minh ngược lại là phải có điều kiện kinh tế, có tài sản bảo đảm, có nguồn thu mới có thể mua được cái nhà đấy. Do đó người nghèo thực sự thì rất khó để mua nhà", Luật sư Trương Thanh Đức, Hội đồng Khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, đánh giá.
Với mức lương từ 8 - 10 triệu đồng mỗi tháng, những người công nhân ở đây cho biết, nếu ăn dè hà tiện, không phát sinh ốm đau bệnh tật, không mất việc nửa chừng, thì họ cũng mất ít nhất 25 năm mới mua được 1 căn nhà ở xã hội. Với nhiều người trong số họ, mua nhà ở xã hội chắc sẽ chỉ là ước mơ.
Cần sớm xác định người được ưu đãi mua nhà xã hội
Cùng với Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Về tín dụng phát triển nhà ở xã hội, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước thực hiện Chương trình 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để chủ đầu tư và người mua các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng. Nguồn vốn hiện đã sẵn sàng, còn các bộ, ngành liên quan vẫn đang loay hoay với nhiều trình tự thủ tục xác định đối tượng thụ hưởng.
Ngân hàng Nhà nước cùng 4 ngân hàng thương mại đều khẳng định đã sắp xếp cân đối đủ nguồn vốn, chỉ chờ tới bước thẩm định và giải ngân. Tuy nhiên đến thời điểm này, các tiêu chí và thủ tục pháp lý để xác định đối tượng được hưởng gói vay 120.000 tỷ vẫn chưa được thông qua.
"Đối tượng mua nhà bây giờ là nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã rất mong muốn, nhưng trong quy định của luật chưa cho phép, chỉ cho cá nhân mua là đúng đối tượng chính sách. Nhiều chủ đầu tư chưa được tiếp cận vốn vay có lãi suất ưu đãi", ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án Liên danh Handico - Vigracera, cho hay.
Gói tín dụng chỉ là điều kiện đủ để người dân dễ dàng mua được nhà ở xã hội hơn, còn chủ đầu tư thì có nguồn vốn để thực hiện các dự án. Quan trọng nhất lúc này là điều kiện cần, đó là phải giải quyết nhanh thủ tục pháp lý để tăng nhanh về số lượng dự án ra thị trường.
"Chúng tôi cũng đã có dự thảo văn bản xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước cũng như bộ, ngành có liên quan về tiêu chí, về điều kiện của các đối tượng sẽ được thụ hưởng cái gói tín dụng này. Hiện nay, chúng tôi đang chờ cái ý kiến phản hồi, góp ý của các bộ, ngành liên quan và sẽ sớm ban hành trong một vài ngày tới", ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, thông tin.
"Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước cần có thêm hướng dẫn chi tiết hơn, tất nhiên phải theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc là theo yêu cầu của các cái doanh nghiệp bất động sản để chúng ta làm cho sát thực tiễn. Đây là một chính sách kinh tế nhân văn, tạo thêm dòng vốn mới cho thị trường khi thị trường đang khó khăn như hiện nay", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, nhận định.
Nếu không đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, gỡ vướng mắc hành chính, không đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn 120.000 tỷ thì tiến độ để có 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay tới 2030 là khó khả thi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!