Nông dân gặp khó vì giá lợn thấp
Sau 2 phiên tăng, hôm 7/4, giá lợn hơi tại nhiều địa phương lại giảm từ 1.000 đến 2.000 đồng cho mỗi kg. Như vậy, giá lợn hơi trong nước đã có tới 6 tháng giảm liên tiếp, hiện giao động từ 48.000 - 51.000 đồng/kg lợn hơi. Theo ghi nhận tại một số chợ đầu mối tại miền Bắc, tình hình giao dịch lợn hơi cũng đang khá chậm.
Điều đáng nói diễn biến không mấy tích cực trên đã kéo dài nhiều tháng nay. Chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, trong khi giá bán lợn hơi giảm thấp, nghịch lý này đang tác động không nhỏ tới tình hình chăn nuôi của các hộ và trang trại vừa và nhỏ.
Anh Phan Quang Viên - huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: "Mình làm ra bao nhiêu chuồng trại, đầu tư rất nhiều tiền vào mà bây giờ để không nhìn tiếc lắm. Nhiều lúc lên nhìn chuồng trại phát khóc, nhưng làm gì được bây giờ bởi nuôi thì thêm mắc nợ vào".
Chủ trại chăn nuôi trên xót xa chia sẻ, trước đây mỗi năm họ thu về tiền tỉ từ việc bán lợn giống, nhưng nay buộc phải tạm ngừng chăn nuôi. Khi giá thành sản xuất 1 kg lợn hơi cao hơn giá bán ra thị trường. Không gánh nổi lỗ nên họ đã phải tạm ngừng chăn nuôi.
Giá lợn hơi liên tục xuống thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi không thể cầm cự và buộc phải "treo chuồng".
Tuy chưa phải ngừng sản xuất, những trang trại khác cũng phải giảm quy mô đàn tới một nửa, mỗi con lợn bán ra phải chịu lỗ 3.00.000 đồng. Theo chủ trang trại phải cắm sổ đỏ để duy trì đàn lợn của mình, mong ngày giá lên.
Anh Đỗ Ngọc Thích - huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nói: "Áp lực rất nhiều, thứ nhất nuôi giờ lỗ vốn, thứ hai dịch tả lợn châu phi chết nhiều lắm, không cẩn thận là mất hết".
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, giá thành sản xuất của 1kg lợn hơi rơi vào từ 55.000 - 57.000 đồng, nhưng hiện nay giá bán cao nhất cũng mới được 51.000 đồng/kg. Vì thế hiện hơn chục nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang gặp nhiều khó khăn.
"Hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay nếu hết lứa họ tạm dừng không nuôi nữa. Với hộ chăn nuôi nái khép kín họ giảm đàn, chăn nuôi cầm cự, còn lứa đến kì loại thải họ tạm dừng, không phát triển đàn nữa", bà Nguyễn Thị Bích Vân - Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Hưng Yên cho biết.
Những ngày này, khi vào các vùng chăn nuôi trại miền Bắc, khá dễ dàng bắt gặp cảnh bỏ trống chuồng. Theo đại diện trang trại do giá cám tăng cao, giá bán sản phẩm thấp, họ gánh hàng triêu đồng đến hàng chục triệu đồng tiền lỗ mỗi tháng nên buộc ngừng sản xuất.
Hàng triệu nông hộ đang chịu áp lực lớn giữa việc tiếp tục sản xuất hay dừng lại. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030 chỉ rõ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước. Nhưng rõ ràng những khó khăn của ngành chăn nuôi lợn đang gặp phải, tác động không nhỏ đến việc hiện thực hoá mục tiêu trên. Theo các chuyên gia, chính hàng triệu nông hộ đang chịu áp lực lớn giữa việc tiếp tục sản xuất hay dừng lại.
"Đối tượng chịu áp lực lớn nhất là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ truyền thống, làm giảm tỷ trọng chăn nuôi nông hộ xuống rất nhanh, mà chăn nuôi nông hộ cũng đang là đặc thù của Việt Nam. Chăn nuôi không phải chỉ là vấn đề an ninh thực phẩm nữa mà còn là sinh kế của rất nhiều người. Người chăn nuôi nông hộ không còn khả năng sản xuất sẽ ảnh hưởng tới vấn đề an sinh", ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định.
Chăn nuôi theo chuỗi liên kết bền vững
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm 5 - 7%/năm. Hiện nay, các hộ nông dân chỉ còn chiếm 40% sản lượng sản xuất thịt lợn của ngành chăn nuôi.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay cần những giải pháp đồng bộ nào để vừa hỗ trợ các hộ chăn nuôi duy trì sản xuất, sinh kế, vừa đảm bảo tính bền vững của ngành. Làm thế nào để chăn nuôi nông hộ không bị triệt tiêu trong bối cảnh chăn nuôi của các doanh nghiệp đang chiếm ưu thế?
Rõ ràng đây là một bài toán không chỉ của những nông hộ mà nó còn là thực tế cấp thiết cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía nhà nước, sự đồng hành của chính các hiệp hội ngành hàng, trong việc định hướng liên kết các nông hộ lại thành chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp phải là đầu chuỗi theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích, hạn chế rủi ro.
Trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm 5 - 7%/năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Các nông hộ mạnh nhất là việc tổ chức chăn nuôi, còn lại các khâu khác trong chuỗi từ thức ăn, vật tư đầu vào, giết mổ, tiêu thụ hiện họ hoàn toàn bị động. Vì thế chăn nuôi của các nông hộ bao năm qua luôn bấp bênh, thiếu tính bền vững.
Theo Hội chăn nuôi Việt Nam, để thay đổi thực tế trên cần có những doanh nghiệp đủ lớn đứng trong vai trò đầu tàu, liên kết các hộ nông dân làm vệ tinh chăn nuôi cho mình.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay: "Trong chuỗi liên kết này, doanh nghiệp phải đứng đầu như đầu tàu lo những việc mà người nông dân không làm được. Còn tổ chức chăn nuôi hãy để cho nông dân nuôi như phát triển chăn nuôi gia công, doanh nghiệp chỉ lo thức ăn thôi giết mổ thôi, còn khâu chăn nuôi để người nông dân tham gia vào quá trình sản xuất này".
"Việc liên kết sẽ mang lại hiệu quả về lâu dài, giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí. Đây là giải pháp cần giải quyết trong thời gian tới", ông Nguyễn Đình Đảng - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho hay.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy mô hình liên kết chuỗi kể trên, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng, về khuyến nông, về thị trường, ưu đãi cho những doanh nghiệp theo đuổi các mô hình liên kết với nông hộ.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Bộ đang chỉ đạo cho cục chăn nuôi xây dựng nghị định chính sách nâng cao hiệu quả chăn nuôi, sẽ có hỗ trợ cho nhiều mặt các đối tác trong chuỗi chăn nuôi, hỗ trợ bà con lúc khó khăn".
Trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam có 10 - 12 chuỗi liên kết lớn. Đồng thời, xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm an toàn sinh học và xây dựng thương hiệu thịt lợn; để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!