Theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000ha. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này đã bị vượt quy hoạch trên 100.000ha.
Để sản xuất được 1kg hồ tiêu, người trồng phải mất chi phí khoảng 70.000 đồng. Tuy nhiên, hiện mỗi kg tiêu được bán ra chỉ với giá khoảng 46.000 đồng. Điều này có nghĩa đối với mỗi tấn tiêu bán ra, nông dân đang bị lỗ khoảng 20 triệu đồng. Với mức giá này, người trồng tiêu không những bị lỗ mà còn mất khả năng chi trả cho các khoản vay ngân hàng.
Không riêng vùng trồng tiêu ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp khó khăn về đầu ra mà cả tại những thủ phủ trồng tiêu khác như các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước và Đồng Nai, giá thu mua đang ở mức 46.000 - 48.000 đồng/kg. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho nông dân.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, việc giá hồ tiêu tăng mạnh trong giai đoạn 2013 - 2015, lên hơn 200.000 đồng/kg đã khiến nhiều nông dân mở rộng diện tích canh tác không kiểm soát. Cụ thể, theo quy hoạch, tổng diện tích trồng tiêu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ khoảng 7.000ha, nay con số này đã tăng gấp 2 lần.
Hiện các nước Brazil, Sri Lanka, Malaysia và Indonesia đã thu hái xong vụ mới. Bên cạnh đó, Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan đang trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới là Việt Nam. Do vậy, các chuyên gia nhận định, giá tiêu sẽ còn diễn biến theo chiều giảm xuống. Giải pháp ngành nông nghiệp đưa ra cũng như khuyến cáo từ các chuyên gia lúc này là nông dân không nên bán tháo khi giá xuống thấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!