Lúc 14h34 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giao dịch kỳ hạn tăng 57 xu Mỹ (0,6%) lên 89,91 USD/thùng, sau khi giảm 62 xu Mỹ trong phiên trước.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 54 xu Mỹ (0,6%) lên 87,15 USD/thùng, sau khi giảm 74 xu Mỹ trong phiên trước. Trước đó, giá loại dầu này cũng từng tăng lên 88,54 USD/thùng, mức cao nhất trong bảy năm.
Trước đó, ngày 26/1, giá dầu Brent giao sau đã chạm mốc 90 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 4/2014. Giới phân tích dự báo, xu thế tăng giá của dầu vẫn tiếp tục và có thể đạt mức 3 con số trong quý III.
Theo CNBC, sự đột phá về giá này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Nga và Ukraine cùng với đó là nguồn cung vẫn thắt chặt trong khi nhu cầu phục hồi.
Hồi đầu tháng, Goldman Sachs đã dự báo giá dầu Brent có thể đạt 100 USD/thùng trong quý III năm nay. Trước đó, một số công ty ở phố Wall cũng đã dự báo giá dầu sẽ đạt mức 3 con số.
Ngân hàng Barclays cũng lưu ý rằng mặc dù hiện tại giá có thể bị tác động bởi vấn đề địa chính trị nhưng các yếu tố cơ bản đang thúc đẩy giá dầu tăng cao hơn.
Căng thẳng chính trị trên toàn cầu đã làm gia tăng những lo ngại về một thị trường năng lượng vốn đã thắt chặt. Cùng lúc đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đang gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu sản lượng hàng tháng sau các đợt cắt giảm mạnh vào năm 2020, còn sản lượng của Mỹ vẫn còn thấp hơn mức cao kỷ lục hơn cả triệu thùng/ngày.
Hiện thị trường đang chờ đợi cuộc họp ngày 2/2 của OPEC+. Theo một số nguồn tin, OPEC+ có thể sẽ bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu trong tháng Ba. Các nhà phân tích của đơn vị nghiên cứu ANZ Research của ngân hàng ANZ (Australia) cho rằng OPEC đang nỗ lực tăng sản lượng theo hạn ngạch đã thỏa thuận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!