Từ năm 2017, giá sơ cấp căn hộ tại quận Cầu Giấy đã tăng 14% mỗi năm. (Ảnh minh họa).
Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố có tác động mạnh nhất đến giá bất động sản là yếu tố cơ sở hạ tầng. Việc công bố một loạt quy hoạch hạ tầng trong thời gian qua cũng góp phần tạo nên cơn sốt đất hồi đầu năm.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách 8,93 tỷ USD đầu tư công sẽ tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ riêng tại Hà Nội, giai đoạn này sẽ có 460 dự án đầu tư trung hạn cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải tại Thủ đô.
Năm nay, dự kiến hai tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội sẽ đi vào hoạt động: Tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) sẽ đi vào hoạt động quý III năm nay, trong khi tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) đoạn trên cao có thể sẽ đi vào hoạt động trong quý IV. Cũng trong giai đoạn 2021 - 2025, 7 đường vành đai cũng sẽ lần lượt được khai thác.
Với lĩnh vực nhà ở, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội, cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng tại Hà Nội đang thu hẹp khoảng cách về giá giữa khu vực đô thị và lân cận.
Theo đó, sự chênh lệch về giá bất động sản giữa khu vực thành thị và vùng lân cận đang dần thu hẹp nhờ những cải thiện về cơ sở hạ tầng như dự án Vành đai 3 mở rộng và Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, các dự án cũng có nhiều tiện ích để bù đắp cho bất lợi về vị trí.
Với kế hoạch đưa các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm và Thanh Trì lên các quận trung tâm trước năm 2025, những khu vực này sẽ trở thành những điểm đầu tư đáng chú ý. Cùng với sự mở rộng đô thị của Hà Nội, nguồn cung nhà ở đã mở rộng từ các khu vực thành thị đến các huyện ngoại thành.
Việc nâng cấp và xây dựng hạ tầng giao thông còn hỗ trợ các dự án nhà ở gia tăng giá trị. Theo thống kê của Savills, từ năm 2017, giá sơ cấp căn hộ tại quận Cầu Giấy đã tăng 14% mỗi năm, nhờ việc sở hữu các cơ sở chăm sóc sức khỏe, giáo dục có chất lượng và hạ tầng kết nối thuận lợi.
Ngoài ra, giá sơ cấp căn hộ tại quận Long Biên cũng tăng 12%/năm do vị trí gần khu trung tâm và những cải thiện về cơ sở hạ tầng, bao gồm nút gia thông kết nối đường Vành đai 3 và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường vành đai 2.
Tương tự trong khu vực phía Nam, giá trị bất động sản tăng theo hạ tầng giao thông cũng thấy rõ. Khi cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết và Xa lộ Hà Nội, và sắp tới là các dự án lớn như sân bay Long Thành, cầu Cát Lái bắc từ TP Hồ Chí Minh qua huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai khiến thị trường vùng ven đã ngay lập tức phát triển mạnh.
Còn tại Dĩ An (Bình Dương), thị trường bất động sản đã tăng trưởng nhanh chóng khi khu vực này tiếp giáp và kết nối thuận tiện với TP Hồ Chí Minh qua các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 1.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, các nhà đầu tư nên thận trọng trước thông tin đồn thổi về việc quy hoạch, tạo dư luận để tăng giá đất, gây bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!