Trên thị trường của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), giá bơ đã tăng trung bình 19% từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2024. Theo số liệu của EU, mức tăng cao nhất bao gồm 49% ở Slovakia, 40% ở Đức và Cộng hòa Czech và các báo cáo đều chỉ ra rằng chi phí này vẫn đang tiếp tục tăng.
Tại Đức, mỗi khối bơ 250 gram hiện có giá từ 2,4 đến 4 euro (2,5 - 4,17 USD), tùy thuộc vào thương hiệu và chất lượng. Theo chuyên gia kinh tế Mariusz Dziwulski, nhà phân tích thị trường thực phẩm và nông nghiệp tại ngân hàng PKO Bank Polski ở Warsaw, sự gia tăng này là kết quả của tình trạng thiếu sữa trên toàn cầu do sản lượng giảm, bao gồm cả ở Mỹ và New Zealand, hai trong số những nước xuất khẩu bơ lớn nhất thế giới.
Khách hàng lựa chọn mua hàng hoá trong siêu thị ở Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Bơ châu Âu thường có hàm lượng chất béo cao hơn bơ bán ở Mỹ. Hơn nữa, bơ được bán theo trọng lượng với các kích cỡ tiêu chuẩn, do đó các nhà sản xuất thực phẩm không thể che giấu việc tăng giá bằng cách giảm kích thước gói bơ và giữ nguyên giá bán.
Tình trạng thiếu bơ đã từng xuất hiện tại Pháp vào thế kỷ thứ XIX, dẫn đến sự ra đời của bơ thực vật. Nhưng hiện Pháp vẫn là quốc gia tiêu thụ bơ nhiều nhất châu Âu, bao gồm cả các loại bơ dùng trong làm bánh và nước sốt.
Tại Ba Lan, bơ được xác định là một mặt hàng thực phẩm quan trọng, đến mức chính phủ nước này đã thiết lập một kho dự trữ bơ trong kho dự trữ chiến lược quốc gia, giống như khí đốt tự nhiên và vaccine phòng COVID-19.
Theo Trung tâm Hỗ trợ Nông nghiệp Quốc gia Ba Lan, giá bơ trong nước đã tăng 11,4% từ đầu tháng 11/2024 đến đầu tháng 12/2024 và 49,2% tính theo năm. Ngày 8/12, giá bơ trên thị trường nước ghi nhận mức gần 37 zloty Ba Lan (8,7 euro)/kg. Để ổn định giá cả, ngày 10/12, Chính phủ Ba Lan thông báo đang giải phóng khoảng 1.000 tấn bơ đông lạnh ra khỏi kho dự trữ quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!