Gần 3.000 tỷ đồng tiền đấu giá mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu: Bình thường hay bất thường?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 18/04/2021 12:48 GMT+7

VTV.vn - Diễn biến cuộc đấu giá quyền khai thác 2 mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu tại tỉnh An Giang đang thu hút sự chú ý của báo chí và dư luận trong tuần.

Mỏ cát trên sông Hậu tại huyện Châu Phú có giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng được một doanh nghiệp ở An Giang chốt giá 273 tỷ đồng để giành quyền khai thác.

Còn mỏ cát trên sông Tiền ở huyện Chợ Mới có giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng, kết thúc phiên đấu giá, một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh chấp nhận chi trên 2.811 tỷ đồng (cao gấp hơn 390 lần so với giá khởi điểm) để giành quyền khai thác.

Khoảng cách quá lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng thầu 2 mỏ cát gây bất ngờ với những người trong cuộc là các doanh nghiệp tham gia đấu giá và cũng bất ngờ với cả dư luận.

Vụ trúng thầu mỏ cát hơn 2.800 tỷ đồng: Bỏ tiền ký quỹ hay chịu lỗ ngàn tỷ?

Tờ Nông thôn ngày nay dẫn lời đại diện nhiều doanh nghiệp khai thác cát bình luận: "Với mỏ cát có trữ lượng chưa tới 2,5 triệu khối mà trả giá 2.811 tỷ đồng là điều hết sức "bất thường".

 Gần 3.000 tỷ đồng tiền đấu giá mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu: Bình thường hay bất thường? - Ảnh 1.

Việc đấu giá mỏ cát trên sông Tiền, tỉnh An Giang đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. (Ảnh: Dân trí)

Đơn vị tổ chức đấu giá khẳng định, cuộc đấu giá 2 mỏ cát được thực hiện công khai và khách quan, nhờ đó đã mang lại hơn 3.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Tờ Người Lao động dẫn lời Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nói rằng, các ngành chức năng đã tính toán kỹ lưỡng về trữ lượng cát cũng như các loại thuế, phí mà các doanh nghiệp phải chịu trước khi đưa ra mức giá khởi điểm. Việc các doanh nghiệp đưa ra mức giá để giành quyền khai thác còn tùy vào khả năng tài chính cũng như kinh nghiệm của họ.

Mỏ cát được đấu giá quyền khai thác từ 7,2 tỷ lên gần 2.812 tỷ đồng: Công an vào cuộc

Cho rằng 1m3 cát trị giá hơn 1,1 triệu đồng là điều bất thường, Giám đốc Công an tỉnh An Giang khi trả lời phỏng vấn tờ Thanh niên nhận định: "Không loại trừ khả năng doanh nghiệp đưa ra giá cao để trúng thầu khai thác mỏ cát nhằm mục đích khác. Công an đang tìm hiểu".

Đã có không ít câu hỏi đặt ra xung quanh vụ đấu giá 2 mỏ cát: Có gì bất ổn không khi doanh nghiệp bỏ ra hơn 2.810 tỷ đồng để giành quyền khai thác? Giá khởi điểm đưa ra liệu đã thực sự hợp lý? Địa phương đã đánh giá chính xác trữ lượng của 2 mỏ cát chưa?

Hút cát đẩy nhanh sạt lở ĐBSCL: Cát đang cạn kiệt

Những câu hỏi chưa thể có câu trả lời ngay lúc này. Thế nhưng giới nghiên cứu môi trường, khí hậu đã chuyển nhau bức thư của nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh An Giang có kế hoạch làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chính phủ để "cứu" dòng sông mẹ.

Trong bức thư được tờ Thanh niên trích dẫn, ông Nguyễn Minh Nhị cảnh báo, việc xây dựng thủy điện phía thượng nguồn khiến gần 1/2 lượng cát - phù sa bị chặn, nay ta lại lấy cát bên dưới này xem như "đầu bị chặt, chân bị cắt", quá trình Đồng bằng sông Cửu Long tan rã hiện ra quá rõ.

 Gần 3.000 tỷ đồng tiền đấu giá mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu: Bình thường hay bất thường? - Ảnh 2.

Mỏ cát trên sông Tiền (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có trữ lượng khoảng 3 triệu m3. (Ảnh: Dân trí)

Chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Hữu Thiện giải thích, trước kia cát trên sông Mekong sẽ chảy ra biển, trở thành lót nền để đồng bằng tiến ra biển. Hiện nay, nếu cứ tiếp tục khai thác cát thì tốc độ sạt lở sẽ diễn ra nhanh, mạnh hơn.

Cát bớt về rồi sao còn bán mỏ?

Trong khi đó, tờ Tuổi trẻ bổ sung thêm câu chuyện của năm 2020 khi Đồng Tháp xin trung ương hỗ trợ cấp bách gần 1.000 tỷ đồng để xử lý sạt lở và di dời dân vùng sạt lở. Mấy năm qua, An Giang đã chi hàng trăm tỷ chỉ để "vá" các đoạn sạt lở.

Nếu mỗi địa phương cứ bán quyền khai thác cát trên địa phận quản lý của mình và cho dù tất cả đều nói là "làm đúng quy trình, đúng pháp luật", tiến trình sụp đổ cả vùng châu thổ sẽ diễn ra sớm hơn, thời gian không tính bằng thế kỷ nữa mà sẽ giảm xuống bằng thập niên.

Phải mất hàng chục, hàng trăm năm mới hình thành mỏ cát. Mất hoặc thiếu cát có thể dẫn đến các tác động bất lợi như một sụp đổ dây chuyền và cộng hưởng mang tính chất xuyên vùng?

Đồng bằng sông Cửu Long khá nhạy cảm trong khai thác cát và nguồn nước, bởi nó nằm trong diện cảnh báo của thế giới về khả năng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Hà Nội dự kiến thu gần 24.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất Hà Nội dự kiến thu gần 24.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất

VTV.vn - Tổng số tiền dự kiến trúng đấu giá hơn 23.600 tỷ đồng; tổng chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn trả hơn 4.800 tỷ đồng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước