Chuyên gia nhận định về chính sách FED
Đêm 21/9 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Thị trường mở, cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Đúng như những dự báo trước đó của thị trường, cơ quan này đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.
Nhận định về chính sách mới của FED, ông Paul Ashworth - chuyên gia kinh tế trưởng vùng Bắc Mỹ của Capital Economics, chỉ ra mấy điểm sau:
Một là trong những tháng tới, giá thực phẩm và giá nhiên liệu xăng dầu sẽ tiếp tục giảm. Thậm chí chỉ số CPI lõi, tức là không bao gồm 2 mặt hàng nói trên, cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt đi một chút.
Hai là nguồn cung của các loại hàng hoá cũng đã bình ổn, tức trong nền kinh tế Mỹ đang dần dà có những dấu hiệu dễ thở hơn. Cho nên những tháng tới nếu FED có tăng lãi suất tiếp, có lẽ mức tăng cũng nhẹ nhàng hơn so với những cú tăng mạnh tay vừa qua.
Hiện rất nhiều nền kinh tế khu vực châu Á là đối tác thương mại của Mỹ. FED tăng lãi suất cũng có tác động tới các nền kinh tế trong khu vực châu Á.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: "Một số quốc gia trong khu vực, nếu họ đang gánh nhiều khoản nợ bằng đồng USD sẽ thực sự gặp khó khăn trong môi trường lãi suất như hiện nay. Lãi suất đồng USD, giá trị đồng USD cũng tăng, nên nhiều nền kinh tế trong khu vực có thể sẽ phải cân nhắc cũng tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ của họ. Đặc biệt là nếu những nền kinh tế này cũng đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao, như Thái Lan hay Indonexia.
Đồng USD tăng giá, gây sức ép lên các đồng tiền khác. Điều này cũng sẽ tạo ra áp lực cho những nền kinh tế xuất khẩu nhiều sang các quốc gia khác. Qua đó làm suy yếu nhu cầu thương mại toàn cầu. Những doanh nghiệp cần vốn để lớn mạnh, họ cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Cũng nói về dòng vốn, thì chúng ta có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn khỏi một số cổ phiếu mới nổi ở châu Á".
"Việt Nam có chính sách tài chính thận trọng cũng như kinh tế vĩ mô ổn định đang có điều kiện để chống đỡ tốt với những cú sốc bên ngoài", ông Andrew Jeffries nhận định.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VTV: Kinh tế của Việt Nam sẽ đón nhận tác động thế nào từ quyết định của Ngân hàng Trung ương của Mỹ?
Ông Andrew Jeffries cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn khá là khoẻ mạnh trong môi trường như hiện nay, tất nhiên các yếu tố rủi ro cũng vẫn cần được cân nhắc. Nhưng Việt Nam đang có điều kiện vượt bão khá tốt so với những quốc gia láng giềng thuộc Đông Nam Á. Về tỷ lệ lạm phát, ngân hàng ADB dự báo đến cuối năm tỷ lệ lạm phát chỉ là 3,8%. Mức nợ công cũng tương đối thấp, chỉ chiếm 43% GDP.
Việt Nam đã có thể huy động vốn đáng kể thông qua thị trường trái phiếu trong nước bằng nội tệ. Đồng nội tệ Việt Nam đồng cũng khá là bình ổn. Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực ròng, tức là Việt Nam hưởng lợi khi giá thực phẩm tăng tại các quốc gia châu Âu và Mỹ.
"Việt Nam có chính sách tài chính thận trọng cũng như kinh tế vĩ mô ổn định đang có điều kiện để chống đỡ tốt với những cú sốc bên ngoài", ông Andrew Jeffries nhận định.
Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ sau khi FED tăng lãi suất?
Việc FED tăng lãi suất không còn là một bất ngờ nữa với quá nhiều dự đoán cùng chỉ về một hướng là tăng, thậm chí lộ trình tăng lãi suất chưa dừng lại còn rất dài và có thể gập ghềnh. Vậy sau lần tăng lãi suất này của FED, nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ được đánh giá như thế nào?
Trước khi CPI tháng 8 được công bố vào tuần trước, nhiều người vẫn nói về khả năng kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm", có nghĩa là không rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, chỉ số CPI tháng 8 lại cho thấy lạm phát vẫn nóng hơn dự kiến và vượt ra ngoài phạm vi các mặt hàng thiết yếu như năng lượng, thực phẩm và đã bén rễ sâu hơn vào nền kinh tế Mỹ.
Sau động thái tăng lãi suất lần này của FED, các chuyên gia đánh giá, suy thoái kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ xảy ra. Ảnh minh họa.
Sau động thái tăng lãi suất lần này của FED, các chuyên gia đánh giá, suy thoái kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ xảy ra, vấn đề là thời điểm nào mà thôi. Về mặt kỹ thuật thì kinh tế nước này đã bước vào suy thoái khi GDP tăng trưởng âm trong 2 quý đầu năm, tuy nhiên vẫn được thúc đẩy bằng thị trường lao động mạnh mẽ.
Sau động thái tăng lãi suất ngày hôm nay, nhiều chuyên gia đã đảo ngược lại nhận định kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong vòng 12 tháng tới và cho rằng suy thoái sẽ tới ngay vào cuối năm nay.
Về phía thị trường, mối lo ngại suy thoái của các nhà đầu tư cũng lớn hơn trước. Một dấu hiệu nhận biết đó là đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc đã đảo ngược. Trong những phiên giao dịch gần đây, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm luôn cao hơn kỳ hạn 10 năm, thậm chí có thời điểm chạm mức cao nhất từ năm 2007.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!