Theo biên bản, phần lớn các quan chức FED tham gia cuộc họp hôm 30 - 31/7 đều đánh giá, nếu các dữ liệu kinh tế tiếp tục đạt kết quả như dự kiến, việc FED nới lỏng chính sách tiền tệ trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 9 là phù hợp. Một số quan chức thậm chí đã ủng hộ việc hạ lãi suất 0,25 điểm % ngay từ cuộc họp tháng 7.
Nhìn chung, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều tự tin hơn vào khả năng lạm phát đang tiến về mức mục tiêu 2% một cách bền vững, đồng thời lưu ý về rủi ro từ sự suy yếu trên thị trường việc làm.
Sau biên bản họp của FED, thị trường sẽ tiếp tục chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn, khi Chủ tịch FED Jerome Powell có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị kinh tế Jackson Hole vào thứ Sáu.
Quang cảnh tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở Washington DC. (Ảnh: THX)
Kỳ vọng ngày càng tăng về việc FED sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9 tới cũng tác động lên thị trường chứng khoán Mỹ khi các chỉ số đồng loạt đi lên trong phiên 21/8.
Chốt phiên, chỉ số Nasdaq đạt mức tăng 0,57% với động lực chính đến từ nhóm cổ phiếu bán dẫn. Các chỉ số Dow Jones và S&P 500 cũng ghi nhận mức tăng nhẹ.
Theo Bộ Lao động Mỹ, tăng trưởng việc làm hàng năm của nước này trong giai đoạn từ tháng 4/2023 - 3/2024 đã bị điều chỉnh giảm 818.000 việc làm so với báo cáo ban đầu. Mức điều chỉnh giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cho thấy thị trường lao động Mỹ đang suy yếu rõ rệt hơn so với dự báo trước đây và khiến FED có thêm lý do để cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tháng 9 tới.
Các dữ liệu việc làm sửa đổi của Mỹ cũng ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu và gây sức ép lên thị trường năng lượng. Giá dầu WTI giao tháng 10 của Mỹ đã giảm 1,69%, rơi xuống dưới ngưỡng 72 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent cũng giảm 1,49%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!