Sau 4 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới cắt giảm lãi suất lần đầu tiên, đánh dấu sự kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed. Mức giảm 0,5%/năm lần này được cho là mức cắt giảm khá mạnh tay. Tỷ giá, lãi suất, đầu tư, xuất khẩu trong nước được cho là sẽ chịu sự tác động, nhưng theo chiều hướng tích cực.
Fed hạ lãi suất 50 điểm cơ bản về mức 4,75 - 5%/năm sau 4 năm thắt chặt. Tương quan và áp lực tỷ giá giữa VNĐ và USD cũng sẽ bớt căng thẳng hơn. Đã có thời điểm, đồng Việt Nam phải điều chỉnh tăng tới gần 5% trước USD, lên mức 25.450 đồng/USD. Nhưng nay, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đã giảm về mức quanh mốc 24.500 đồng/USD. Còn tỷ giá trung tâm hôm nay, chỉ còn là 24.148 đồng/USD, giảm 19 đồng so với hôm qua.
Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết: "Khi Fed hạ lãi suất thì rõ ràng mức độ chênh lệch lãi suất giữa USD với tiền đồng của chúng ta và các đồng tiền khác sẽ bị thu hẹp. Do đó, nó sẽ giảm bớt đi áp lực về tỷ giá. Và thực tiễn, tỷ giá đã giảm trong thời gian vừa qua".
Tỷ giá hạ nhiệt giúp cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam có được cơ hội duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, sự đồng pha về lãi suất giữa Việt Nam và Fed cũng sẽ là một yếu tố kích thích dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Bởi môi trường lãi suất duy trì ở mức thấp so với bình quân năm 2023 sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các doanh nghiệp.
Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết thêm: "Fed quyết định giảm lãi suất hiện nay cũng như trong thời gian tới thì sẽ kích cầu. Đầu tư, tiêu dùng, du lịch ở đất nước đó, nhất là Mỹ, đương nhiên sẽ tăng thêm nhu cầu về nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam. Và đó chính là cơ hội tốt cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam".
"Với những điều kiện vĩ mô tương đối tốt như là xuất siêu, cán cân FDI vẫn vào, nhìn tổng thể chúng ta vẫn thặng dư cán cân thanh toán. Thường cuối năm cũng là mùa kiều hối về, tôi nghĩ là nó sẽ quanh mức 1,5% và biến động không quá 2%, quay lại đúng mục tiêu ban đầu".
Như vậy, về tổng thể, việc Fed giảm lãi suất sẽ làm giảm áp lực tỉ giá, giảm bớt áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước và sức ép lên lạm phát cũng giảm. Ngoài ra, còn kích thích đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu cho kinh tế Việt Nam trong cả ngắn hạn cũng như lâu dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!