FED: Cần kiên nhẫn với sự phục hồi của kinh tế Mỹ

Lê Minh (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ sáu, ngày 05/03/2021 13:03 GMT+7

VTV.vn - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell kêu gọi hãy kiên trì với sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tiến trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ dù vẫn còn đứng trước nhiều thách thức, song đang có những dấu hiệu khả quan khi số người được tiêm phòng ngày càng nhiều hơn, doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp tăng trưởng đáng ngạc nhiên, cùng với đó là khoản hỗ trợ kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD đang được Quốc hội thúc đẩy thông qua. Tuy nhiên, những điều này lại đang làm cho các nhà đầu tư lo ngại, khiến thị trường chứng khoán Mỹ biến động, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải lên tiếng.

"Cổ phiếu bất ổn, trái phiếu tăng vọt: Vì sao các nhà đầu tư lo ngại trước các dấu hiệu tăng trưởng của nền kinh tế" là tựa đề của bài viết đăng trên tờ Thời báo New York số ra tuần này. Theo bài viết, những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang ngày càng mạnh trở lại khiến họ hoảng sợ.

Bài viết dẫn ý kiến chuyên gia nhận định rằng: "Chưa bao giờ chính phủ Mỹ bơm nhiều tiền như vậy vào nền kinh tế nên thị trường đang quan ngại về những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra". Hệ quả rõ ràng đó là nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh, khoảng 5% trong năm 2021.

FED: Cần kiên nhẫn với sự phục hồi của kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

Tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ liên bang gia tăng có thể đẩy nền kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng. (Ảnh minh họa: AP)

Thế nhưng sự tăng trưởng này sẽ kéo theo nguy cơ gia tăng lạm phát, có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải nâng lãi suất và đây chính là điều các nhà đầu tư lo ngại.

Một vấn đề nữa khiến các nhà đầu tư quan ngại đó là tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ liên bang gia tăng có thể đẩy nền kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng.

Tờ Thời báo New York dẫn báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo thâm hụt ngân sách Liên bang Mỹ năm nay sẽ vào khoảng 10,3% GDP, mức cao thứ 2 kể từ năm 1945. Con số này dự báo giảm xuống còn 5,7% vào cuối thập kỷ này khi chi tiêu ứng phó với đại dịch giảm bớt và tăng trưởng kinh tế trở lại. Tuy nhiên trong 2 thập kỷ tiếp theo, thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tăng trở lại, lên tới 13,3% vào năm 2051.

FED: Cần kiên nhẫn với sự phục hồi của kinh tế Mỹ - Ảnh 2.

Nền kinh tế Mỹ vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu về việc làm cũng như duy trì mức lạm phát trung bình 2%. (Ảnh minh họa: AP)

Tờ Tạp chí Phố Wall cho biết, nợ Liên bang của Mỹ năm nay dự kiến bằng 102% GDP, gấp đôi so với sau chiến tranh thế giới thứ 2 khi chi tiêu chính phủ tăng vọt. Tuy nhiên, khoản nợ này được dự báo sẽ tăng gấp đôi, lên 202% GDP vào năm 2051 do sự gia tăng chi phí bảo hiểm y tế và chi trả các khoản nợ trước đó.

Tờ Thời báo New York dẫn cảnh báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ rằng mức nợ liên bang cao như vậy sẽ làm tăng chi phí vay nợ, làm chậm lại đà tăng trưởng và đặt nền kinh tế lớn nhất thế giới trước nguy cơ khủng hoảng tài chính.

Trước tình hình đó, hôm 4/3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phải tái khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cho tới khi thị trường lao động được cải thiện. Ông Jerome Powell cũng cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu về việc làm cũng như duy trì mức lạm phát trung bình 2%.

Kinh tế Mỹ hậu COVID-19: Nhà đầu tư phố Wall nên 'đổ tiền' vào đâu? Kinh tế Mỹ hậu COVID-19: Nhà đầu tư phố Wall nên "đổ tiền" vào đâu?

VTV.vn - Trước khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại, câu chuyện ở phố Wall những ngày này là nên đầu tư vào đâu và nên dự liệu những điều gì có thể xảy ra tiếp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước