EVFTA khẳng định vị thế thương mại Việt Nam – EU
Ngày hôm nay là kỷ niệm 4 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA). Đây là một trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam. Hiệp định EVFTA cũng là FTA thế hệ mới đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Bộ Công Thương, sau 4 năm thực thi, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 50%. Ở chiều ngược lại, hàng hoá xuất khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 40%.
Theo Tổng cục Hải quan, năm ngoái, kim ngạch thương mại hai bên đạt hơn 72 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt hơn 34 tỷ USD. Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng như: Thủy sản, rau quả, giày dép, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ. Nhiều sản phẩm nông sản châu Âu, các mặt hàng máy móc, thiết bị nhập khẩu từ châu Âu giảm thuế theo lộ trình. Qua đó giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao quá trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận định: "Nếu như năm 2019 khi Hiệp định bắt đầu đưa vào thực thi, xuất khẩu của chúng ta sang EU chỉ trên 35 tỷ USD, cho đến nay xuất khẩu sang EU đã đặt trên 51 tỷ USD năm 2023. Điều đó có thể thấy thông qua giai đoạn thực thi hiệp định, chúng ta đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 17 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN".
Các hiệp định thương mại được ký kết cũng giúp mở cánh cửa xuất khẩu cho các mặt hàng của Việt Nam
Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao
Các hiệp định thương mại được ký kết cũng giúp mở cánh cửa xuất khẩu cho các mặt hàng của Việt Nam. Chẳng hạn như với lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 34 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng tiếp tục có sự tăng trưởng tốt như: gạo, cà phê, cao su, chè và hạt tiêu.
Cà phê, gạo, rau quả là những mặt hàng đóng góp tới 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 18 tỷ USD của nhóm nông sản. Trong đó, gạo tiếp tục khẳng định vị thế nông sản chủ lực với sản lượng cung ứng đứng thứ ba thế giới, cà phê có mức tăng trưởng đột biến trên 30% nhờ giá xuất khẩu tăng cao. Theo đại diện ngành nông nghiệp, việc hình thành ngày càng đậm nét các vùng chuyên canh tác nguyên liệu nông sản cho xuất khẩu giúp chất lượng nông sản của Việt Nam đáp ứng ngày càng cao yêu cầu thị trường xuất khẩu
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Định hình vùng nguyên liệu gắn với khu vực chế biến, gắn với thị trường thì chúng ta đã phát huy được, tái cơ cấu trong hơn 40 năm qua".
Ngoài động lực từ các vùng nguyên liệu, theo các hiệp hội ngành hàng, có được kết quả trên là nhờ một phần từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng mua nông sản của Việt Nam.
Bà Lê Hằng - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ: "Để doanh nghiệp làm sao tận dụng cơ hội tại thị trường này và rất mong các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt Tổng cục Hải quan Trung Quốc hợp tác với Việt Nam để mở rộng sản phẩm được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc".
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tổ chức nâng cao sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng tốt mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đây tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong 5 tháng tới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để có thể hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 đạt trên 54 tỷ USD
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!