Liên hợp quốc đặt mục tiêu phê chuẩn được Thỏa thuận toàn cầu chống rác thải nhựa vào cuối năm nay. Tuy nhiên lúc này, lập trường đàm phán vẫn rất khác biệt giữa các nước sản xuất dầu mỏ và các nước khác.
Thoả thuận toàn cầu đang được đàm phán dưới sự chủ trì của Liên hợp quốc hướng tới mục tiêu tham vọng tới năm 2040 phải chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa.
Một nguyên liệu cách đây 70 năm còn chưa tồn tại, nay đã "xâm lấn toàn bộ hành tinh", theo tờ El País ra tại Tây Ban Nha. Rác thải nhựa xâm lấn hệ sinh thái trên cạn và trên biển; vi nhựa nhiễm vào cơ thể con người… Nếu như tất cả các nước đều nhất trí, phải giảm ô nhiễm nhựa thì giảm thế nào, lại chưa đồng thuận. Tờ báo Tây Ban Nha nhấn mạnh quan điểm của Liên minh châu Âu: "Phải giảm sản lượng nhựa nguyên sinh, đặc biệt là đối với các polymer không thể tái chế, hoặc các polymer được sử dụng để chế tạo vật phẩm dùng một lần rồi vứt bỏ". "Tái chế nhựa đang thất bại, không có ngành tái chế nào hiệu quả". "Chỉ có 9,4% rác thải nhựa được tái chế. Một nửa bị chôn lấp, gần 1/4 không được xử lý và đó là nguồn gây ô nhiễm chính trong tự nhiên".
Bao bì nhựa là vấn đề rất lớn, không chỉ nylon mà còn chai lọ dùng một lần
Liên minh châu Âu không tin rằng tái chế có thể giảm được ô nhiễm nhựa. Bởi vì tái chế chưa tới nổi 10% lượng rác nhựa, trong khi sản xuất mới nhựa nguyên sinh vẫn tăng chóng mặt. Tờ nd.DerTag ra tại Đức nhấn mạnh, "tranh luận lúc này trong đàm phán toàn cầu là phải hạn chế sản lượng nhựa nguyên sinh hay là chỉ tập trung vào tái chế". Các nước sản xuất dầu mỏ vẫn thiên về tái chế. Còn quan điểm của Liên minh châu Âu, theo tờ báo Đức, giảm sản lượng nhựa nguyên sinh "không chỉ giúp hạn chế ô nhiễm mà còn bảo vệ khí quyển. Nếu không, lượng khí thải toàn cầu từ sản xuất nhựa có thể tăng gấp ba lần vào giữa thế kỷ này".
Nếu sắp xếp các biện pháp giảm ô nhiễm nhựa theo thứ tự thì Liên minh châu Âu nhấn mạnh trước tiên phải giảm sản xuất mới nhựa nguyên sinh từ dầu mỏ, tiếp theo là tái sử dụng đồ nhựa và thứ ba mới tới tái chế. Tờ Corriere di Bologna ra tại Italia có bài "Nhựa, quan điểm của châu Âu là tái sử dụng chứ phải không là tái chế". Đồ dùng bằng nhựa đã mua thì cố mà dùng càng lâu càng tốt, không dùng nữa mang cho ai đó chứ không vứt bỏ ngay, còn "về lâu dài phải hạn chế sử dụng nhựa làm bao bì".
Bao bì nhựa là vấn đề rất lớn, không chỉ nylon mà còn chai lọ dùng một lần. Theo tờ Die Presse ra tại Áo, "Liên hợp quốc ước tính mỗi năm thế giới sản xuất thêm 430 triệu tấn nhựa nguyên sinh, 2/3 trong số đó chỉ được sử dụng trong thời gian rất ngắn, chủ yếu để đóng gói". Ô nhiễm nhựa vẫn là bài toán nan giải, chưa có vật liệu nào thuận tiện và giá rẻ hơn để mà thay thế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!