EU nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga

Đức Cường-Thứ tư, ngày 02/03/2022 08:08 GMT+7

VTV.vn - Từng là đối tác chính của Nga trong lĩnh vực năng lượng, giờ đây châu Âu đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc của khối này vào Nga.

Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tối 28/2 đã đến Washington với một nhiệm vụ cụ thể là tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng và hợp tác phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió.

Ông Robert Habeck cho biết: "Đã có một nghị quyết lớn hỗ trợ Ủy ban châu Âu trong việc xây dựng an toàn khí đốt cho châu Âu. Chúng tôi đang xem xét sử dụng kho dự trữ dầu quốc gia trong một nỗ lực chung với Mỹ để kiềm chế giá dầu nếu giá dầu tiếp tục leo thang".

Xuất khẩu khí đốt của Mỹ sang EU trong tháng 12/2021 đã tăng 37% so với hồi đầu năm trước, qua đó biến Mỹ trở thành một trong những đối tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượng của EU, nhưng từng đó vẫn chưa đủ để thay thế Nga, quốc gia đang cung cấp tới gần một nửa lượng khí đốt nhập khẩu của toàn châu Âu.

Ông Eamon Ryan, Bộ trưởng Môi trường Ireland nói: "Những gì đang xảy ra lúc này đã khiến chúng tôi thiệt hại nặng nề. Người Mỹ nghĩ rằng 350 triệu Euro viện trợ vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine là số tiền lớn, nhưng mỗi ngày chúng tôi đều phải chi ra 350 triệu Euro để mua năng lượng của Nga. Vì vậy, nhìn từ góc độ an ninh và biến đổi khí hậu, chúng tôi cần sự độc lập khỏi năng lượng hóa thạch".

Trong cuộc họp của các Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường châu Âu tại Brussels, Bỉ, các quốc gia châu Âu thừa nhận nguy cơ xảy ra cú sốc năng lượng trong các tháng tới và sự cần thiết tăng cường tích trữ khí đốt và dầu thô nhằm đối phó với nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Về lâu dài, phát triển năng lượng tái tạo được xem là giải pháp bền vững nhất.

Bà Tiinne Van Der Straeten, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ, nói: "Bỉ phụ thuộc 4-6% lượng khí đốt, 30% dầu thô và 20% uranium vào nguồn nhập khẩu từ Nga. Vì vậy, rõ ràng chúng tôi cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi ngành năng lượng và tìm cách khác để sản xuất ra điện năng".

Với việc xung đột Nga - Ukraine nhiều khả năng kéo dài, châu Âu được xem vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn trên thị trường năng lượng ngay cả khi mùa đông kết thúc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước