Đức thiếu lao động lành nghề trong nhiều lĩnh vực

PV-Thứ sáu, ngày 26/04/2024 20:23 GMT+7

Số lượng người thất nghiệp tại Đức có nguy cơ tăng cao

VTV.vn - Nền kinh tế trì trệ đang ngày càng tác động xấu đến thị trường việc làm nước Đức, khiến số lượng người thất nghiệp có nguy cơ tăng cao.

Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế Đức (IW), nền kinh tế trì trệ đang ngày càng tác động xấu đến thị trường việc làm nước này, khiến số lượng người thất nghiệp có nguy cơ tăng cao.

Viện IW cho biết số người thất nghiệp ở Đức dự kiến sẽ tăng gần 2,8 triệu người trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2015. Chuyên gia thị trường lao động Holger Schäfer của Viện IW cho biết trong năm ngoái, thị trường lao động Đức khá ổn định, bất chấp suy thoái kinh tế. Nhưng năm nay, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng được cảm nhận một cách rõ ràng hơn, trong đó có thị trường việc làm.

Theo nghiên cứu của Viện IW, các doanh nghiệp tại Đức không cho thấy bất kỳ sự tăng trưởng việc làm nào trong những tháng còn lại của năm nay. Một số chỉ báo hàng đầu cũng ở mức ảm đạm. Trong tháng 3/2024, số lượng vị trí tuyển dụng mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Việc các công ty hạn chế thuê lao động mới làm giảm cơ hội tìm được việc làm phù hợp của người lao động. Hậu quả là tình trạng thất nghiệp tiếp tục gia tăng. Viện IW dự báo trong quý IV tới, số lượng người thất nghiệp có thể vượt mức tăng trong cuộc khủng hoảng đại dịch năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2024 có thể đạt 6%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức đỉnh điểm vào năm 2005, khi nước Đức ghi nhận tới gần 4,9 triệu người thất nghiệp.

Trong năm 2023, nền kinh tế Đức đã suy giảm 0,3% nhưng số người có việc làm vẫn tăng 340.000, tương đương 0,7%. Số giờ làm việc cũng tăng thêm 250 triệu giờ, tương đương 0,4%. Các chuyên gia Viện IW cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này là do các doanh nghiệp có xu hướng giữ chân những người lao động lành nghề, ngay cả khi công ty không hoạt động hết công suất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, điều này có thể sẽ không duy trì được lâu. Nếu tình hình kinh doanh tiếp tục xấu đi, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lực lượng lao động của họ.

Dù nguy cơ thất nghiệp gia tăng nhưng trên thực tế, nước Đức vẫn thiếu lao động lành nghề ở rất nhiều lĩnh vực kinh tế. Ví dụ, trong ngành y tế, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach mới đây cho biết chỉ riêng số lượng bác sĩ, nước Đức có thể thiếu tới 50.000 người trong 10 năm tới.

Trong ngành giao thông vận tải, một nghiên cứu của Viện IW đã chỉ ra rằng hơn 54.500 tài xế xe buýt và tàu điện sẽ nghỉ hưu trong tương lai gần, trong khi việc tìm kiếm nhân lực mới cho ngành này rất khó khăn. Năm 2023, 3.594 vị trí việc làm không tuyển được ứng viên đủ tiêu chuẩn, cao hơn 89% so với năm trước.

Nước Đức cũng đang rất thiếu lao động lành nghề để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng thân thiện với khí hậu. Một nghiên cứu của Viện IW và Hiệp hội Kỹ sư Đức (VDI) gần đây cho thấy số lượng vị trí tuyển dụng dành cho kỹ sư trong lĩnh vực cung cấp năng lượng, nước, xử lý chất thải đang ở mức cao, nhưng không dễ để có thể tìm đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước