Đưa sản phẩm OCOP lên thương mại điện tử

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 28/07/2024 14:44 GMT+7

VTV.vn - Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, kết nối tiêu thụ, là một cách làm hiệu quả, doanh thu từ bán hàng OCOP trên các nền tảng số đang tăng cao kỷ lục.

OCOP là các sản phẩm tiêu biểu, có uy tín, chất lượng và thương hiệu, muốn lan tỏa rộng rãi đến người dùng đòi hỏi các chủ thể sản xuất phải thay đổi cách tiếp cận thị trường. Đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, kết nối tiêu thụ, là một trong những cách làm hiệu quả, được nhiều địa phương áp dụng hiện nay.

Livestream bán hàng trực tuyến. Bằng cách làm này, chỉ sau vài tháng, hàng chục sản phẩm bún và phở của doanh nghiệp đã được đông đảo khách hàng biết tới và chọn mua.

"Trước đây tôi bán chủ yếu ở kênh offline, những quán ăn hay healthy hay kênh đại lý. Nhờ vào sàn thương mại điện tử chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp cận hơn từ khách trong và ngoài nước", bà Lê Thị Mỹ Ngọc - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tú Trinh Food chia sẻ.

Hơn 2 năm trước, những sản phẩm OCOP địa phương chỉ tiêu thụ quanh ở trong tỉnh. Từ khi tham gia xúc tiến thương mại, đặc biệt bán hàng trực tuyến thì nó đã vươn xa cả nước. Chính điều này đã làm gia tăng đáng kể doanh thu cho các cơ sở sản xuất tại đây.

Theo các cơ sở sản xuất, giá nhiều sản phẩm khi lên sàn thương mại bán online cao từ 3-4 lần so với hình thức offline. Lý do, hàng hóa được đầu tư kỹ lưỡng từ nhãn mác cho tới chất lượng tốt nhất.

"Trước công ty chiếm từ 1-2%, có khi 10% cũng có thể, từ khi bán hàng online trong gần 3 năm trở lại đây, doanh số về hàng online cơ bản tăng vọt, gần như gấp đôi, những khách hàng tiếp cận họ thấy rất uy tín", bà Vũ Minh Tú - Giám đốc Công ty TNHH Thái Minh Nguyên cho hay.

Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết: "Chúng tôi đánh giá đối với các doanh nghiệp mới tham gia họ cũng có nhiều bỡ ngỡ, tuy nhiên sau khi đã tham gia được một số mặt hằng thì họ đánh giá sự tăng trưởng rất tốt do thị trường rộng lớn, đối tượng được tiếp cận với hàng hóa nhiều".

Mỗi năm, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản mang về cho nước ta hơn 53 tỷ USD. Đặc biệt, doanh thu từ bán hàng OCOP trên các nền tảng số đang tăng cao kỷ lục. Và giá trị sẽ chưa dừng lại đó, nếu các cơ sở sản xuất trong nước khai thác tốt các nền tảng số hóa, tăng cường quảng bá, kết nối để tiêu thụ sản phẩm OCOP theo xu hướng thông minh và tiện ích.

Cần thêm hỗ trợ để đưa OCOP đi xa

Đưa sản phẩm OCOP lên thương mại điện tử - Ảnh 1.

Bằng cách livestream bán hàng trực tuyến mà nhiều sản phẩm OCOP tiếp cận được các thị trường xa ngoài mong đợi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm OCOP đã góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. 46% chủ thể OCOP gia tăng về sản lượng sau khi được công nhận OCOP, doanh thu bán hàng tăng bình quân gần 30%. Rõ ràng hiệu quả từ chương trình này khá rõ. Tuy nhiên, để phát triển nhanh, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP hiệu quả và bền vững, các chủ thể sản xuất rất cần nhiều chính sách hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành.

"Hiện tại tôi nấu bằng trấu và củi, muốn nâng cấp lên làm lò điện, phải tốn kinh phí, nhà nước hỗ trợ cho tôi để tôi làm cái đó cho nó tốt hơn", bà Bành Thanh Yến - Chủ cơ sở đường Thốt Nốt Thanh Tùng, An Giang cho hay.

"Rất mong được tiếp cận với nguồn vốn cao hơn, lãi suất thấp hơn nữa để cho cơ sở có thể dễ dàng phát triển", bà Phạm Thị My - Chủ cơ sở Yến Sào Ngọc Minh, Bạc Liêu chia sẻ.

Ông Trần Thanh Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: "Chúng tôi giới thiệu, kết nối những ngân hàng để cho các hợp tác xã, các chủ thể kinh tế có điều kiện để họ tiếp cận các gói chính sách, song song với việc đó họ sẽ tạo công nghệ mới đầu tư và những sản phẩm nguyên liệu đầu vào đảm bảo chất lượng hơn".

"Tổ chức các điểm trưng bày các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, đồng thời một số tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đang xúc tiến để đặt gian hàng sản phẩm OCOP của Bạc Liêu tại các địa điểm này", ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu thông tin.

Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết: "Chúng tôi mời các chuyên gia của Sendo, Shopee, Tiktok về An Giang để hướng dẫn cho bà con. Đồng thời chúng tôi tổ chức họp trực tuyến nhiều lần để họ phổ biến các quy định của sàn thương mại điện tử đó nói riêng và của quy định pháp luật nói chung".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước