Thượng viện Mỹ thông qua dự thảo ngân sách 3.500 tỷ USD
Ngày 11/8, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách liên bang trị giá 3.500 tỷ USD. Dự kiến, gói ngân sách này sẽ góp phần đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu, tăng hỗ trợ cho các gia đình trung lưu và người nhập cư.
Tuy nhiên gói ngân sách này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe Cộng hòa, khi lấy nguồn từ tăng thuế giới nhà giàu và các tập đoàn lớn, cũng như các lo ngại lạm phát.
Gói ngân sách này được thông qua chỉ 1 ngày, sau khi Thượng viện cũng "bật đèn xanh" cho dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD. Sự ủng hộ từ các nghị sĩ cả 2 đảng cho thấy dự luật này đang được kỳ vọng lớn giúp tăng cường năng suất cho nền kinh tế số 1 thế giới.
Tác động của dự luật cơ sở hạ tầng đối với kinh tế Mỹ
Dự luật chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD hứa hẹn sẽ mang lại cho nước Mỹ những khoản đầu tư lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua vào hệ thống cầu đường, sân bay và các tuyến đường thủy, từ đó thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới.
Dự luật cơ sở hạ tầng có thể khiến GDP của Mỹ tăng thêm khoảng 0,2% trong năm 2022 và 0,3% trong năm 2023. (Ảnh minh họa: Reuters)
"Đây là một khoản đầu tư quan trọng, sẽ tạo ra hàng triệu việc làm cho các nghiệp đoàn trên khắp nước Mỹ, tại nhiều thành phố, thị trấn, các vùng nông thôn và các cộng đồng thiểu số. Đó là cách để chúng ta xây dựng nước Mỹ tốt hơn", Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, dự luật cơ sở hạ tầng khó có thể tác động lớn đến tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong vài năm tới như các gói cứu trợ đại dịch. Lý do là bởi số tiền chi cho cơ sở hạ tầng ít hơn số tiền cứu trợ, trong khi thời gian đầu tư lại dài hơn.
Chuyên gia của Goldman Sachs Research ước tính, dự luật cơ sở hạ tầng có thể khiến GDP của Mỹ tăng thêm khoảng 0,2% trong năm 2022 và 0,3% trong năm 2023.
"Chúng ta đang nói về rất nhiều dự án trong dài hạn như băng thông rộng, cơ sở hạ tầng điện, hệ thống nước, thậm chí cả phương tiện công cộng và đường sắt. Sẽ phải mất một khoảng thời gian để thực hiện trọn vẹn các dự án này", chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's Analytics Mark Zandi cho hay.
Tuy nhiên, trong dài hạn, các khoản đầu tư vào đường cao tốc, cảng biển và băng thông rộng có thể giúp nền kinh tế Mỹ hoạt động hiệu quả và năng suất hơn. Các ngành nghề liên quan đến công nghệ và an ninh mạng dự kiến cũng sẽ hưởng nhiều lợi ích từ gói đầu tư nghìn tỷ này.
Việc dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua cũng đã tạo ra tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán Mỹ.
"Tôi nghĩ dự luật cơ sở hạ tầng khiến các nhà đầu tư cảm thấy sẽ có nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn được triển khai trong thời gian sắp tới, cả năm nay và năm sau. Tôi cho rằng các biện pháp kích thích tài khóa là cần thiết để giữ cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Nếu điều này xảy ra, định giá cổ phiếu cũng sẽ tốt hơn", Giám đốc đầu tư tại O'Neil Global Advisors Randy Watts nhận định.
Hiện giới đầu tư Phố Wall đang hướng sự chú ý tới các cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, qua đó giúp lĩnh vực vật liệu và công nghiệp trong S&P 500 tăng khoảng 18% kể từ đầu năm tới nay. Các cổ phiếu tiện ích, bất động sản, giao thông vận tải và viễn thông cũng sẽ được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!