Chứng khoán Mỹ khởi sắc sau số liệu PPI
Yếu tố chi phối thị trường Mỹ quan trọng tuần này, đó chính là các chỉ số giá cả. Tối ngày 13/8, chỉ số đầu tiên đã được công bố, đó chính là chỉ số giá sản xuất PPI tháng 7.
Không nằm ngoài kỳ vọng, chỉ số PPI - thước đo lạm phát ở cấp độ bán buôn, đã ghi nhận mức tăng chỉ 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn tới 0,5 điểm phần trăm so với dữ liệu của tháng 6. Nếu so với tháng trước thì PPI chỉ đi lên 0,1%, thấp hơn dự báo của thị trường. Đóng góp chính vào kết quả này là việc giá cả ngành dịch vụ đi xuống 0,2% trong tháng 7 - mức giảm mạnh nhất của lĩnh vực này kể từ tháng 3 năm ngoái đến nay.
Số liệu PPI mới đi đúng với kỳ vọng, đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho phố Wall trong phiên đêm qua, giúp các chỉ số chính trở lại với sắc xanh.
Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 400 điểm, tương đương khoảng 1%. Nasdaq tiếp tục dẫn đầu đà đi lên trong tuần này khi đóng cửa với mức tăng gần 2,5%. Như vậy từ sau cú bán tháo trong phiên ngày 5/8, thị trường Mỹ đã tăng trở lại hơn 4%, giúp ổn định tâm lý của các đầu tư, củng cố thêm kỳ vọng các vụ bán tháo vừa rồi chỉ là đợt điều chỉnh cần thiết của thị trường và sẽ không kéo dài.
Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 400 điểm
Dữ liệu kinh tế củng cố sự lạc quan của giới đầu tư
Sau số liệu PPI vừa rồi, hôm nay dự kiến là sẽ còn nóng hơn nữa với thị trường Mỹ khi mà chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng sẽ được công bố. Đây sẽ là thước đo trực tiếp để giới đầu tư kiểm chứng kỳ vọng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Bên cạnh đó, một dữ liệu quan trọng của Mỹ cũng sẽ được công bố trong tuần này là doanh số bán lẻ tháng 7.
Theo các chuyên gia, dữ liệu PPI vừa công bố, đang là bước đệm tâm lý quan trọng để thị trường hướng tới dữ liệu CPI, bởi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt sẽ là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 9.
Ông Adam Coons - Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý vốn Winthrop cho biết: "Điều thị trường quan tâm hôm nay là việc giá sản xuất đã tăng thấp hơn dự báo, thúc đẩy Fed sớm hạ lãi suất. Chúng tôi nghĩ tâm lý chờ đợi này sẽ còn tiếp tục trong các tháng tới, sẽ có những giai đoạn thị trường biến động, tùy thuộc vào quan hệ giữa các số liệu và quyết định của Fed".
Hiện tỷ lệ dự báo giữa hai khả năng Fed hạ lãi suất 25 và 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 vẫn đang khá cân bằng, theo công cụ CME FedWatch, trong khi kỳ vọng Fed hạ lãi suất ở các cuộc họp tháng 11 và 12 cũng đang ở mức cao.
Ảnh hưởng tích cực từ các số liệu kinh tế Mỹ cũng đã lan tới thị trường châu Âu, góp phần giúp các thị trường chính trong khu vực đi lên trong những phiên đầu tuần này.
Ông Tim Oechsner - Chuyên gia giao dịch, Công ty tài chính Steubing chia sẻ: "Với các dữ liệu kinh tế gần đây, mối lo ngại suy thoái của Mỹ đã phần nào được đẩy lùi. Chúng tôi cũng dự báo rằng lạm phát tại Mỹ tháng 7 giữ nguyên ở mức 3%, trong khi lạm phát lõi giảm nhẹ xuống 3,2% - một tín hiệu tích cực cho toàn thị trường".
Kết thúc phiên hôm qua, chỉ số tổng hợp tại châu Âu Stoxx 600 tăng nhẹ 0,5%, các thị trường Đức và Anh cũng giữ đà tăng nhẹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!