Du lịch sẽ góp phần đẩy nhu cầu dầu mỏ toàn cầu lên mức cao kỷ lục

TTXVN-Thứ ba, ngày 15/08/2023 08:07 GMT+7

VTV.vn - Dầu thô Brent Biển Bắc đạt mức cao hơn 88 USD/thùng vào cuối tuần qua, mức cao nhất kể từ tháng Giêng.

Nhật báo Les Echos (Pháp) dẫn dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu đang hướng tới mức cao kỷ lục mới do du lịch hàng không vào mùa Hè, sản xuất điện và hoạt động hóa dầu của Trung Quốc.

Thế giới quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nhiều quốc gia chia sẻ tham vọng này, nhưng trên thực tế thì có vẻ như ngược lại. Theo IEA, thế giới chưa bao giờ tiêu thụ nhiều dầu như năm nay. Trong một báo cáo được công bố mới đây, IEA thậm chí đã điều chỉnh dự báo của cơ quan này lên tới 102,2 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2023, tăng 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong vòng một năm, "mức cao nhất chưa từng được ghi nhận".

IEA cho biết sự gia tăng nhu cầu toàn cầu này "được thúc đẩy bởi du lịch hàng không vào mùa hè, tăng sử dụng dầu trong sản xuất điện và hoạt động hóa dầu của Trung Quốc tăng vọt". Sau hai quý suy giảm, nhu cầu toàn cầu đạt mức kỷ lục 103 triệu thùng/ngày vào tháng 6 và tháng 8 có thể đạt đỉnh mới. Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 70% mức tăng trưởng, một động lực "mạnh hơn mong đợi, bất chấp những lo ngại kéo dài về sức khỏe của nền kinh tế".

Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo rằng cho tới nay, chưa thấy dòng "vàng đen" bổ sung nào mang lại hy vọng giảm giá. Theo IEA, việc các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giảm sản lượng có thể làm xói mòn lượng dầu dự trữ trong thời gian còn lại của năm và do đó giá sẽ tiếp tục tăng. Vào tháng 6, các nước xuất khẩu dầu đã đạt được thỏa thuận cắt giảm mục tiêu sản xuất thêm 1,4 triệu thùng/ngày từ năm 2024. Đến tháng 7, sản lượng của họ đã giảm 1,2 triệu thùng/ngày (xuống 50,7 triệu thùng/ngày). Do đó, lượng dầu tồn kho đã giảm 17,3 triệu thùng trong tháng 6. Theo IEA, nếu các mục tiêu của OPEC được duy trì, lượng dầu dự trữ có thể giảm 2,2 triệu thùng/ngày trong quý III và 1,2 triệu thùng/ngày trong quý IV, "điều này có thể đẩy giá tiếp tục tăng cao".

Trên thực tế, giá hiện nay đã rất cao. Dầu thô Brent Biển Bắc đạt mức cao hơn 88 USD/thùng vào cuối tuần qua, mức cao nhất kể từ tháng Giêng. Trong khi đó, tại Mỹ, giá dầu ngọt nhẹ West Texas Middle (WTI), đạt gần 85 USD/thùng vào ngày 10/8, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Giá dầu diesel cũng đang tăng trở lại.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá tiêu dùng tại Mỹ tiếp tục tăng (+0,2%) trong tháng 7 sẽ khó có thể làm dịu bớt căng thẳng trên thị trường. Ông Stephen Innes, nhà phân tích tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management, cảnh báo : "Xu hướng giảm lạm phát có thể dẫn đến các đợt tăng lãi suất tiếp theo và giảm nhu cầu vay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)". Lãi suất ngắn hạn cao hơn sẽ làm giảm nhu cầu về dầu, khi ảnh hưởng mạnh tới các nền kinh tế bằng cách tăng chi phí tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Vào năm 2024, tăng trưởng nhu cầu dầu dự kiến sẽ chậm lại, ở mức 1 triệu thùng/ngày. IEA giải thích nguyên nhân giảm nhu cầu này, nhiều khả năng là do các điều kiện kinh tế vĩ mô trì trệ, quá trình phục hồi sau đại dịch đang cạn kiệt và sự phát triển của xe điện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước