Du lịch nội địa thiếu cạnh tranh về giá

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 11/04/2024 09:38 GMT+7

VTV.vn - Hàng không và du lịch được ví như đôi cánh chim, chỉ có thể cất cánh nếu cả hai cùng tìm được tiếng nói chung. Lữ hành, lưu trú vẫn chờ mối liên kết hàng không - du lịch.

Kỳ nghỉ lễ cũng như mùa hè đang đến gần. Giờ là lúc người người, nhà nhà lên kế hoạch du lịch cho bản thân và gia đình. Tới thời điểm này các điểm đến nước ngoài đang có vị thế áp đảo, bởi thời gian gần đây giá tour nội địa đã tăng cao. Mặc dù xét về tính hấp dẫn, các điểm đến như Thái Lan, Indonesia… chưa chắc đã bằng Việt Nam, song chi phí rẻ đang là động lực hút khách tới những quốc gia này.

Dự định đặt tour cho gia đình đi chơi lễ 30/4 ở các cung Tây Bắc, Đông Bắc bằng đường hàng không. Tuy nhiên, khi được tư vấn giá tour này đang tăng hơn 20%, khách hàng đã thay đổi kế hoạch.

"Mình tự đi bằng xe máy hoặc ô tô của nhà thì sẽ tiết kiệm chi phí hơn", chị Nguyễn Bảo Trân - Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Hiện giá vé máy bay thời điểm này đã tăng cao hơn so với cùng kỳ. Đến cao điểm lễ 30/4 và hè sẽ tiếp tục tăng từ 10 đến 30% để bù đắp cho thấp điểm. Giá vé máy bay có khi bằng với giá cả tour đi nước ngoài.

Ông Trần Đình Thượng - Giám đốc Phòng vé máy bay Autic Việt Nam cho biết: "Hiện nay chúng tôi chào một tour đi Trung Quốc, gần như đang chỉ hơn giá vé bay chặng Phú Quốc hoặc Côn Đảo khoảng 2-3 triệu".

Theo tính toán, cùng một chặng bay trong 1h20 phút, giá vé ở Việt Nam rẻ nhất là 3,4 triệu đồng. Tại Thái Lan là 2,3 triệu đồng còn tại Mỹ là 1,7 triệu đồng. Tính theo bình quân GDP/đầu người, thì với cùng một chặng bay, người Việt mất tới 12 ngày làm việc; trong khi Thái Lan là 5 ngày, Mỹ là 0,3 ngày.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng Giám đốc AZA Travel mong muốn: "Chúng tôi rất mong muốn trong thời gian tới Chính phủ có động thái đối với các hãng hàng không để giúp chúng tôi tổ chức chương trình làm sao giá đảm bảo và hợp lý đối với khách hàng".

Cũng đặt câu hỏi là phải chăng là cơ cấu chi phí của hãng hàng không chưa được quản lý tốt, vẫn còn cồng kềnh, cạnh tranh vẫn chưa đủ để các hãng phải giảm giá một cách thấp nhất. Vé máy bay tăng quá cao về lâu dài sẽ thiệt hại kinh tế cho các địa phương.

Giá vé máy bay chiếm 40 - 60% cơ cấu giá tour du lịch. Hàng không và du lịch được ví như đôi cánh chim, chỉ có thể cất cánh nếu cả hai cùng tìm được tiếng nói chung. Lữ hành, lưu trú vẫn mòn mỏi chờ mối liên kết hàng không - du lịch chặt hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước