Việt Nam đã nằm trong danh sách xem xét nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi được 6 năm nay. Hiện Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 tiêu chí để được FTSE Russell (một tổ chức chuyên về các dịch vụ chỉ số tài chính) đưa vào danh sách nâng hạng.
Hai tiêu chí còn lại chủ yếu liên quan đến chu kỳ thanh toán của nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài, yêu cầu có đủ tiền trước khi có giao dịch. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để gỡ nút thắt này.
Hiện Việt Nam có khoảng 4.300 nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Để đảm bảo tiêu chí không cần ký quỹ tiền trước khi giao dịch, công ty chứng khoán sẽ có vai trò cấp hạn mức cho các tổ chức này
Ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cho biết: "Dựa trên việc đánh giá năng lực của từng nhà đầu tư, chúng tôi sẽ cung cấp hạn mức và nhà đầu tư nước ngoài được quyền trade 100% dựa trên hạn mức ấy mà không cần phải ký quỹ giao dịch".
Việt Nam cần đáp ứng được các nhu cầu của nhà đầu tư theo chuẩn toàn cầu
Ngoài ra, để giải quyết bài toán về chi phí liên quan đến giao dịch thất bại theo tiêu chí của FTSE Russell, Việt Nam cần đáp ứng được các nhu cầu của nhà đầu tư theo chuẩn toàn cầu. Việc đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào hoạt động là rất cần thiết.
Ông Trịnh Hoài Giang - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Trong hệ thống giao dịch này có hệ thống bù trừ cho cổ phiếu, CCP, nó dẫn đến thay đổi hàng loạt. Tôi cho rằng, đây là một thay đổi rất lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, như một thay đổi từ hơi nước lên điện tử".
Theo báo cáo mới nhất của FTSE Russell, Việt Nam đã nhận được những đánh giá tích cực từ cộng đồng nhà đầu tư quốc tế.
Bà WanMingDu - Giám đốc Chính sách Chỉ số Châu Á - Thái Bình Dương, FTSE Russell nêu ý kiến: "Các khách hàng lớn của chúng tôi có phản hồi tích cực và đánh giá cao về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua. Việc sớm triển khai mô hình thanh toán là rất cần thiết, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với các cộng đồng nhà đầu tư quốc tế và hỗ trợ để Việt Nam sớm thỏa mãn các điều kiện".
Đáp ứng các tiêu chí, nhưng cũng cần đúng các mốc thời gian là tháng 9/2024 và muộn hơn là tháng 3/2025 thì mới kịp được nâng hạng trong năm 2025.
Ông Kentut Kusuma - Điều phối viên Chương trình Lĩnh vực tài chính của World Bank tại Việt Nam đưa ra quan điểm: "Thời gian là rất ngắn, tôi nghĩ Việt Nam cần hành động nhanh chóng, những quy định pháp luật mới thay đổi cho phù hợp, những giải pháp thị trường cần triển khai đồng thời thì mới có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của việc nâng hạng vào các kỳ xem xét tiếp theo".
Nhiều quốc gia trong khu vực đều đã là thành viên của chỉ số thị trường mới nổi MSCI và FTSE Russell. Việc Việt Nam ở thị trường cận biên trong 6 năm qua đã mất đi các cơ hội đón những dòng vốn lớn.
Dòng vốn của thị trường mới nổi gấp 200 lần so với thị trường cận biên, nên khi được nâng hạng, dòng vốn vào Việt Nam có thể tăng thêm 5-7 tỷ USD và con số sẽ là 25 tỷ USD đến năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!