Đồng USD mạnh lên và những hiệu ứng tới kinh tế toàn cầu

TTXVN-Thứ ba, ngày 26/07/2022 18:20 GMT+7

VTV.vn - Đồng USD tác động đến mọi ngõ ngách của nền kinh tế toàn cầu.

Đây là đồng tiền được sử dụng trong các giao dịch mua bán nguyên vật liệu thô cần thiết, và cũng là kênh trú ẩn an toàn của giới đầu tư trong thời kỳ bất ổn.

"Đồng bạc xanh" hiện đang ở mức cao nhất trong 20 năm qua so với các đồng tiền chủ chốt khác, một phần do các đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất mạnh hơn. Dưới đây là 10 lý do khiến sự mạnh lên của đồng USD gây chú ý trên toàn thế giới.

Đồng USD mạnh lên và những hiệu ứng tới kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Đồng USD hiện đang ở mức cao nhất trong 20 năm qua so với các đồng tiền chủ chốt khác. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

Với người Mỹ ở nước ngoài: Một đồng USD mạnh sẽ có lợi với các du khách Mỹ. Tiền thuê khách sạn, tiền ăn và nhiều vật dụng khác đều sẽ trở nên rẻ hơn, dù là ở London (Anh), bờ biển French Riviera của Pháp hay thành phố ven biển Cancun của Mexico. Tuy nhiên đồng thời, đồng USD mạnh lại có tác động ngược lại với du khách đến Mỹ vì mọi thứ sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Sự ngang giá với đồng Euro: Đây là một lợi ích gia tăng đối với những người Mỹ khi đến một trong 19 quốc gia sử dụng đồng Euro, và là một sự an ủi nhỏ nhoi đối với các du khách châu Âu tại Mỹ, vì giờ đây họ không cần phải đau đầu tính toán để quy đổi hai đồng tiền này vì chúng gần như ở mức 1 đổi 1.

Hàng hóa sản xuất tại Mỹ: Với người tiêu dùng trên toàn thế giới đang tìm kiếm các thương hiệu hàng đầu của Mỹ, đồng USD mạnh hơn sẽ khiến họ phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng này, trừ khi các nhà phân phối trong nước có biện pháp giảm ảnh hưởng của sự biến động tiền tệ.

Chỉ trong vài ngày qua, các công ty Mỹ như Mattel Inc, nhà sản xuất búp bê Barbie và ô tô đồ chơi Hot Wheels, cho biết đang bị ảnh hưởng bởi sự mạnh lên của đồng USD, kể cả khi người tiêu dùng nhìn chung vẫn sẵn sàng trả giá cao hơn. Cả "ông lớn" trong ngành hàng tiêu dùng Procter & Gamble cũng không thoát khỏi tầm ảnh hưởng từ sự mạnh lên của đồng USD.

Rắc rối với các nền kinh tế mới nổi: Với người dân Argentina, đồng USD tăng giá so với đồng Peso đồng nghĩa với việc giá cả trong nước đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 1 năm qua, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước này.

Chính phủ và giới doanh nghiệp ở nhiều nền kinh tế mới nổi thường huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu bằng đồng USD. Giờ đây, số nợ của họ đã tăng mạnh về giá trị khi quy đổi ra đồng nội tệ. Sử dụng hình thức này để huy động vốn cũng trở nên đắt đỏ hơn vì lãi suất tại Mỹ đang tăng lên.

Giá nguyên liệu thô chịu tác động kép: Các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, vốn nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu thô, đang phải chịu tác động kép. Hầu hết các loại hàng hóa, từ dầu đến lúa mỳ, đều được định giá bằng đồng USD, có nghĩa là họ đang phải trả nhiều nội tệ hơn cho các mặt hàng này.

Cùng lúc đó, đồng USD lại mạnh lên đúng thời điểm giá nhiều loại nguyên vật liệu thô đang ở mức cao nhất nhiều năm qua do tình hình chiến sự tại Ukraine, thời tiết khắc nghiệt và tác động của đại dịch COVID-19.

Tác động đến kiều hồi của các nước nghèo: Đồng USD mạnh là tin tốt đối với người dân ở những nước nghèo hơn như Mexico và Guatemala, những người sống dựa vào ngoại tệ do người thân làm việc tại Mỹ gửi về. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề vào lượng kiều hồi này trong năm 2020, nhưng kể từ đó, tình hình đã phục hồi dần.

Lạm phát: Kể cả với các nước giàu hơn như Đức, 1 đồng USD mạnh vẫn có thể gây rắc rối vì nó góp phần làm gia tăng lạm phát vốn đã ở mức cao kỷ lục khi giá hàng nhập khẩu tăng cao. Các ngân hàng trung ương thường đối phó bằng cách nâng lãi suất, nhưng động thái này lại khiến chi phí đi vay tăng và làm chậm đà phục hồi kinh tế.

Sự mạnh lên của đồng Ruble: Đồng Ruble của Nga là đồng tiền duy nhất trên thế giới tăng giá so với đồng USD trong năm nay. Đây là một hệ quả không mong muốn đối với một quốc gia đang phải chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế.

Sức mạnh của đồng Ruble, một phần là hệ quả của các biện pháp quản lý ngoại hối, không đem lại nhiều lợi ích cho người dân Nga. Nga có thể thu được hàng chục tỷ USD mỗi tháng từ việc bán năng lượng cho phương Tây, nhưng các hộ gia đình tại nước này vẫn không thể rút tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ của mình.

Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu phương Tây, từ Adidas đến H&M và Ikea đã ngừng hoạt động tại Nga kể từ khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Lợi thế so với đồng Bitcoin: Được cho là "lá chắn" trước lạm phát, đồng tiền số lớn nhất thế giới này vẫn chưa được như kỳ vọng và ngược lại đồng tiền số này đã giảm hơn 50% trong năm nay, bất chấp tình hình giá tiêu dùng tăng cao ở nhiều nơi trên thế giới.

Làn sóng các nhà đầu tư cá nhân đổ xô vào Bitcoin trong thời kỳ thị trường tiền số khởi sắc vào năm 2021 hiện lại quay lưng với đồng tiền này để tìm sự trú ẩn an toàn ở đồng USD.

Triển vọng giảm giá: Nếu lấy giá bánh hamburger Big Mac để đo lường, đồng USD có thể đang ở mức quá cao và sẽ đi xuống trong thời gian tới.

Chỉ số Big Mac của tờ The Economist cho thấy đồng USD đang được định giá cao hơn hầu hết các đồng tiền khác, trừ một số ít đồng tiền. "Đồng bạc xanh" đắt đỏ nhất, cùng với đó là bánh Big Mac rẻ nhất với du khách Mỹ, ở Venezuela, Romania và Indonesia.

Ngược lại, đồng USD rẻ nhất tại Thụy Sỹ, Na Uy và Uruguay. Chỉ số Big Mac là một chỉ số được tạo ra năm 1986 bởi tờ The Economist để đo lường ngang giá sức mua giữa các quốc gia, và sử dụng giá của bánh burger Big Mac của McDonald's làm đối chuẩn.

Giá đồng USD cao nhất trong 20 năm qua Giá đồng USD cao nhất trong 20 năm qua

VTV.vn - Đêm 12/5 theo giờ Việt Nam, đồng USD đã tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ qua so với các đồng tiền chủ chốt khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước