Dòng tiền đang chảy vào lĩnh vực kinh doanh nào?

VTV Digital-Chủ nhật, ngày 06/03/2022 11:00 GMT+7

VTV.vn - Gần 286 nghìn tỷ đồng được cho vay trong tháng 1/2022. Bất động sản, chứng khoán hay sản xuất…, đâu là lĩnh vực thu hút dòng tiền nhiều nhất?

Trong tháng 1/2022, 286.000 tỷ đồng được cho vay. Đây là điểm rất khác thường so với mọi năm, vì như thông lệ, đầu năm là giai đoạn khá trầm lắng trong hoạt động cho vay bởi sau khi các doanh nghiệp đã hoàn thành mùa cao điểm cuối năm, tháng đầu năm sẽ là giai đoạn lên kế hoạch chuẩn bị cho năm mới. Đây cũng là một tín hiệu vui. Doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề đang bắt đầu khởi động lại sau thời gian dài đình trệ vì dịch bệnh.

Có một số lý giải cho hiện tượng này. Theo nhận định của các chuyên gia, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang bắt đầu guồng quay mới cho giai đoạn phục hồi kinh tế nên nhu cầu vay vốn sẽ nhiều hơn.

Theo số liệu từ NHNN, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 1 đã tăng 2,74%, cao hơn khoảng 5 lần so với mức tăng 0,53% của cùng kỳ năm ngoái, còn trước đó đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 chưa tác động tới nền kinh tế, vốn vay ra chỉ tăng vẻn vẹn 0,1%.

Dòng tiền đang chảy vào lĩnh vực kinh doanh nào? - Ảnh 1.

Dòng vốn chảy vào đâu?

Lĩnh vực được nhiều người quan tâm hiện nay là bất động sản. Số liệu mới nhất của năm nay thì chưa có, nhưng theo công bố gần đây nhất của NHNN, số vốn các ngân hàng rót vào đây chỉ chiếm khoảng 19% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.

Lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro khác như chứng khoán, chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ như vậy nhưng chỉ chiếm phần ít ỏi, 0,54%. còn BT, BOT ước tính khoảng 1% dư nợ.

Nếu mà chúng ta trừ đi những lĩnh vực rủi ro này, có nghĩa vẫn gần 80% dòng tiền cho vay đang chảy vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, trong đó, trọng tâm là những nhóm ngành ưu tiên như xuất khẩu, nông lâm nghiệp, công nghệ cao. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục của doanh nghiệp.

Ngân hàng tiếp tục siết vốn vào lĩnh vực rủi ro

Có một thực tế là xu hướng tăng cho vay bất động sản đã giảm dần qua các năm. Từ mức trên 44% của năm 2016, mức tăng trưởng đã giảm chỉ còn khoảng 12% vào năm ngoái. Bên cạnh đó, chúng ta còn có một "bộ lọc", giúp điều chỉnh dòng vốn này.

Các bộ lọc chính là các quy định để sàng lọc vốn. Ví dụ như với chứng khoán, NHNN yêu cầu các NHTM không được cho vay vượt quá 5% vốn điều lệ. Còn với bất động sản, bộ lọc là các quy định về nâng cao hệ số rủi ro khi cho vay và không được lấy nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Tại một số ngân hàng, tỷ lệ cho vay bất động sản luôn được khống chế dưới 1 con số, và chủ yếu là ưu tiên cho những người có nhu cầu nhà ở thật. Hiện trên 65% dư nợ cho vay bất động sản của các NHTM là dành cho người mua nhà hay sửa chữa nhà cửa.

Dòng tiền đang chảy vào lĩnh vực kinh doanh nào? - Ảnh 2.

Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ VPBank cho biết: " VPBank luôn có cơ chế khống chế vào bđs ở tỷ lệ nhất định, để tránh rủi ro tập trung, chọn lọc các dự án lớn, có uy tín, như dự án nhà ở xã hội, và đáp ứng các yêu cầu của NHNN và VPBank để hạn chế rủi ro".

Ngoài việc hạn chế rủi ro, việc kiểm soát tốt dòng vốn đổ vào chứng khoán, BĐS còn tác động trực tiếp tới thứ hạng của các NHTM. Những ngân hàng tuân thủ quy định sẽ có thứ hạng cao trên bảng đánh giá của NHNN và ngược lại.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, nhận định: "Thứ hạng dùng để đánh giá sức khỏe ngân hàng. Xếp hạng cao thì thuận lợi hơn trong phân bổ tín dụng, thuận lợi hơn trong mở rộng kinh doanh hay những thứ khác".

Thực tế, NHNN sẽ cấp hạn mức tín dụng cao hơn cho những ngân hàng tuân thủ tốt các quy định về an toàn vốn. Đây là thông điệp nhất quán được nhà điều hành đưa ra trong những năm gần đây, để đảm bảo dòng vốn sẽ được nắn chỉnh đúng hướng.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "NHNN theo chủ trương tạo điều kiện cho dòng tiền ưu tiên và kiểm soát tín dụng bất động sản, chứng khoán hay trái phiếu của doanh nghiệp mà không an toàn. những lĩnh vực rủi ro cao sẽ kiểm soát chặt. tất nhiên, những nhu cầu ở thực, vốn cho nhà ở xã hội vẫn được tập trung vốn, còn lĩnh vực dẫn tới câu chuyện đầu cơ, gây hiện tượng bong bóng thì sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn".

Như vậy, bàn tay từ cơ quan quản lý sẽ là bộ lọc hiệu quả để điều chỉnh các dòng chảy tín dụng. Dù muốn dù không thì các ngân hàng thương mại cũng phải điều chỉnh dòng vốn nắn dòng tín dụng cho phù hợp với nhu cầu hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ tiếp cận được với nguồn vốn lớn, ưu đãi.

Gần 80% dòng vốn vay chảy vào sản xuất kinh doanh

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, NHNN cho biết, đã có khoảng 1,3 triệu khách hàng được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn trước. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết thường xuyên nhận được các lời mời chào vay vốn từ các NHTM. Vì thực tế, bản thân các ngân hàng cũng cần đẩy vốn cho vay ra.

Dòng tiền đang chảy vào lĩnh vực kinh doanh nào? - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Khánh Ly, Phó Tổng giám đốc điều hành CTCP In và Bao bì Goldsun, cho biết: "Các ngân hàng lớn có vốn nhà nước mức giảm lãi suất khá nhiều 0,4-0,5% so với năm 2020. Đối với các khoản vay ngắn hạn và các khoản vay trung hạn giảm 1%. Mức giảm như vậy là liều thuốc giúp doanh nghiệp xuất khẩu trong vấn đề phải huy động tài chính để tìm kiếm khách hàng mới".

Cùng với việc các doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, NHNN cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn, khoảng 14%, đồng thời, cũng để ngỏ khả năng sẽ mở rộng cửa cho vay nếu tình hình kinh tế khởi sắc, doanh nghiệp cần nhiều vốn hơn.

Các ngân hàng thương mại tung nhiều ưu đãi cho vay

Có 5 nhóm ưu tiên theo chỉ đạo của chính phủ, là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Những lĩnh vực này thường có tốc độ tăng trưởng vốn vay cao hơn mức bình quân chung nhưng phía các NHTM cho biết, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các ngân hàng cũng chủ động mở rộng nhóm khách hàng được hưởng ưu đãi vay vốn bởi chỉ khi các doanh nghiệp có sức khỏe, phục hồi sản xuất kinh doanh, các ngân hàng mới có thể khỏe theo được.

Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ VPBank: Lãi suất ưu dãi giảm tương đối rộng có thể giảm từ 0,5-2% tùy theo mức độ quan hệ của khách hàng và ngân hàng.

Ông Phan Quang Chung, Giám đốc Vùng 1-2, Khối khách hàng cá nhân Ngân hàng PvcomBank: Những nhóm ngành được tập trung vốn nhiều nhất là xuất nhập khẩu, nông lâm nghiệp, cho vay tiểu thủ công nghiệp, du lịch, lưu trú... Những nhóm ngành này có nhiều cơ hội phục hồi sau thời kỳ COVID-19 nên ngân hàng rất mong muốn khách hàng sẽ có thêm sức mạnh kinh tế phục hồi. mức lãi này giảm 1%-2% so với năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank): Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát các khách hàng đã thực hiện cơ cấu nợ do ảnh hưởng của COVID-19, đồng thời thực hiện cơ cấu nợ đối với những khoản vay mới phát sinh nợ xấu. Agribank sẽ tiếp tục chính sách điều chỉnh giảm lãi suất như đã áp dụng trong năm 2021, cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định như năm trước và nếu có điều kiện thì sẽ phấn đấu giảm thêm 1% trần lãi suất cho vay. Dự kiến sẽ áp dụng với cả ngắn hạn và trung dài hạn.

Miễn giảm lãi suất và tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ - đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngân hàng cũng như cơ quan quản lý, để giúp nền kinh tế có thể phục hồi bởi theo khảo sát mới công bố của VCCI, có tới 94% doanh nghiệp đã phải chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch, từ mất cân đối dòng tiền, khó tiếp cận khách hàng hay đứt gãy chuỗi cung ứng.

Kỳ vọng gói cấp bù lãi suất 2%/năm sớm đi vào thực tiễn

Mới đây, Quốc hội đã thông qua gói kích thích kinh tế, giao cho ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ lãi suất 2%/năm dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Gói cấp bù lãi suất 2% này được ví như máy trợ thở của doanh nghiệp, sẽ tạo thêm dưỡng khí, thêm nguồn vốn giá rẻ cho doanh nghiệp đủ sức chống đỡ. Có nghĩa là bên cạnh nguồn vốn vay từ ngân hàng, sẽ có thêm khoảng 40.000 tỷ đồng vốn từ ngân sách nhà nước, chi ra thông qua các NHTM để giảm lãi vay cho doanh nghiệp. Lúc này cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đang mong chờ 1 hướng dẫn cụ thể.

Ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch HĐQT Giovanni Group, cho biết: "Sau gần 2 năm COVID-19 rất khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp mong phải rất nhanh nếu không sẽ lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế thế giới khi kinh tế thế giới phục hồi trước chúng ta".

Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ đưa ra tiêu chí rõ ràng, minh bạch về đối tượng được hưởng lãi suất và phương thức tính mức giảm lãi của ngân hàng bởi không ít doanh nghiệp lo ngại, gói cấp bù 2% sẽ bị trục lợi, biến tướng giống như cách khuyến mãi thổi giá lên rồi giảm giá xuống của các hãng bán lẻ.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch CLB nông nghiệp công nghệ cao, Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam, nhận định: "Chính sách chung của chính phủ là thấp hơn 2% so với lãi suất thông thường, nhưng xu thế chung hiện nay là các NHTM đang tăng lãi suất nên nếu tăng rồi giảm 2% thì cũng không có nghĩa lý gì. Quan trọng hơn là làm nông nghiệp cần có lãi suất ổn định, nếu năm đầu tiên giảm 2%, mà mấy năm sau thì lại tăng, quan trọng là lãi suất ổn định bao lâu?".

Ông Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, nói: "Chúng ta phải kiểm soát theo dòng tiền. Các hoạt động thanh toán đó nếu thông qua ngân hàng thì đều kiểm soát được việc chi vào đâu, đúng mục đích không và khi nào dòng tiền quay trở lại thì sẽ hoàn trả ngân hàng. Như thế sẽ không lo doanh nghiệp có cần tài sản đảm bảo hay không và cũng không lo ngân hàng không quản lý được đồng vốn".

Theo dự kiến, gói cấp bù lãi suất sẽ được cho vay thông qua cả các NHTM tư nhân chứ không chỉ gói gọn ở 4 ngân hàng có vốn nhà nước lớn. Trong tuần qua, NHNN cũng đã họp bàn để lấy ý kiến, xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn về quy trình cấp bù lãi suất cho vay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước