Đón đầu nguồn nhân lực cho Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 27/12/2024 07:41 GMT+7

VTV.vn - Đến nay, trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh là trường đại học đầu tiên và duy nhất cả nước thành lập Viện trực thuộc về đường sắt tốc độ cao.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2027. Theo tính toán ban đầu của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cần khoảng 240.000 công nhân kỹ thuật cho thi công xây lắp hạ tầng. Cũng để phục vụ dự án này, cần đến 13.800 nhân lực vận hành và khoảng 2.000 chuyên gia tư vấn. Để kịp cung ứng nguồn nhân lực, nhiều trường Đại học đã chủ động xây dựng, mở chương trình đào tạo.

Đến nay, trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh là trường đại học đầu tiên và duy nhất cả nước thành lập Viện trực thuộc về đường sắt tốc độ cao. Chương trình đào tạo chuyên sâu bắt đầu thực hiện từ năm nay.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Dự kiến từ 2025, nhà trường sẽ tuyển sinh đầy đủ 4 chuyên ngành: Xây dựng đường sắt tốc độ cao; Cơ khí đường sắt tốc độ cao; Kỹ thuật điều khiển tự động và hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt tốc độ cao; Khai thác vận tải đường sắt tốc độ cao để đáp ứng nguồn nhân lực cho kế hoạch là 2027 chúng ta sẽ bắt đầu triển khai dự án này”.

Dù đường sắt không phải là ngành mới, thậm chí nhiều trường đã đào tạo hoặc có chương trình đào tạo gần, liên quan đến ngành này, tuy nhiên, để có thể vận hành được một phương tiện có tốc độ lên đến 350 km/h, lại là lần đầu tiên có ở Việt Nam đòi hỏi người học phải có nhiều kĩ năng, kiến thức mới.

GS.TS. Nguyễn Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Khi đường sắt tốc độ cao chạy qua các khúc cua tạo ra lực ly tâm rất lớn. Như vậy, tất cả những bài toán về thiết kế, thi công, quản lý vận hành sẽ khác đi. Nếu chúng ta chỉ dựa trên những chương trình hiện tại thì sinh viên sẽ không hiểu được”.

Theo tính toán, để vận hành 1 km đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cần trung bình khoảng 9 người tại 5 vị trí. Với chiều dài hơn 1.500 km, dự án cần khoảng 13.800 người. Để thu hút sinh viên theo học, kịp đón đầu dự án vào năm 2027, các trường đã chủ động đề ra các chính sách hỗ trợ, áp dụng ngay trong đợt tuyển sinh 2025.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh nêu nhận định: “Nhà trường cũng có rất nhiều phương thức xét tuyển để tạo điều kiện cho các em sinh viên, đặc biệt là nhà trường với cơ chế chính sách về học phí rất phù hợp cũng sẽ tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho các con em ở đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa”.

GS.TS. Nguyễn Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm: “Hutech sẽ có một chính sách học bổng rất lớn dành riêng cho các bạn sinh viên, trong đó liên quan đến ngành kỹ thuật này”.

Con người là yếu tố tiên quyết, quyết định thành công của một dự án, công trình. Đón đầu nguồn nhân lực không chỉ giúp đảm bảo dự án đúng tiến độ mà còn khẳng định tính tiên phong của giáo dục Đại học, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hóa hạ tầng và phát triển giao thông tốc độ cao là xu thế tất yếu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước