Báo cáo về chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua trong kỳ họp này. Các thông tin sơ bộ ban đầu về đại dự án này đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu được triển khai thì phương thức vận tải mới này sẽ mang lại cho cả người dân và doanh nghiệp những giá trị kinh tế không nhỏ.
Chọn đi đường sắt từ Hà Nội vào Bình Định vì muốn ngắm cảnh hai bên, với Giang, nếu có tàu tốc độ cao đến 350 km/h thì đây sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Bạn Nguyễn Trúc Giang - Tỉnh Bình Định cho biết: “Nếu mình có khoảng thời gian di chuyển nhanh hơn và một phương tiện tàu với không gian thoải mái hơn, em nghĩ các hành khách trẻ như em sẽ rất thích”.
Đây là chuyến tàu có hành trình từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh, dự kiến thời gian di chuyển sẽ khoảng 34 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, theo phương án với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thời gian từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh sẽ chỉ còn khoảng 5 giờ 30 phút. Nhiều hành khách cho rằng, phương tiện mới đó sẽ là một phương tiện thu hút nhiều khách trong tương lai.
Anh Matthias Baunach - Du khách Đức chia sẻ: “Việt Nam của các bạn là đất nước chạy dài từ Bắc vào Nam nên đi tàu tốc độ cao thì sẽ mang lại những trải nghiệm thật tuyệt vời”.
Hơn 20 năm kết hợp với đường sắt để làm tuyến du lịch Hà Nội - Đà Nẵng, anh Tiến cho rằng, dù những năm gần đây, tàu hoả đã khang trang và sạch đẹp hơn nhiều nhưng vì hạ tầng đã cũ kỹ, lại là đường đơn nên phải mất đến 16 giờ mới vào tới nơi. Nếu tương lai có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thì sẽ càng có nhiều khách hàng chọn đi đường sắt.
Ông Nguyễn Cảnh Tiến - Phó Giám đốc Công ty du lịch Violette Trains Việt Nam nêu ý kiến: “Đó là một trong những sự lựa chọn tuyệt vời, chúng tôi đã mường tượng được ra buổi sáng có mặt ở Hà Nội ăn sáng uống cà phê, nhưng buổi trưa được vào ăn hải sản Đà Nẵng ăn hải sản, buổi chiều, du khách đã đắm mình trong biển Mỹ Khê”.
Với các công ty du lịch, cùng một thời gian tour, khi tàu chạy nhanh hơn sẽ có thể đưa thêm vào được nhiều điểm đến để gia tăng trải nghiệm, từ đó thu hút nhiều du khách.
Ông Phạm Quang Tùng - Giám đốc Công ty du lịch TSC cho biết: “Đi tour lúc đó không còn quá vất vả và không mất quá nhiều thời gian. Và tôi cho rằng đó chính là cung tạo ra cầu”.
Dù đã có nhiều cố gắng để làm mới mình nhưng ngành đường sắt hiện nay giống như một tấm áo cũ đã chật. Giờ là lúc cần một mảnh vải mới để may chiếc áo phù hợp với sự lớn lên sau hơn 100 năm. Đó chính là sự đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!