Nếu nhìn vào con số báo cáo thì ngành viễn thông là một trong những ngành hiếm hoi "sống khỏe", tăng trưởng tốt trong dịch bệnh. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt hơn 66.000 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của cả 3 ông lớn viễn thông về doanh thu đều khá sáng sủa. Thế nhưng, doanh thu nêu trên không chỉ thuần đến từ mảng viễn thông, mà đến cả từ hoạt động bán thiết bị, sản phẩm, dịch vụ số khác.
Theo đánh giá chung của Cục Viễn thông, trong 6 tháng qua, thuê bao di động mới chỉ tăng 0,09%. Mức tăng trưởng chậm cho thấy thị trường đã bão hòa và dịch chuyển từ thoại, SMS sang data đang rất mạnh mẽ.
Ngành viễn thông là một trong những ngành hiếm hoi "sống khỏe", tăng trưởng tốt trong dịch bệnh. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Tờ Đầu tư phân tích, để giữ đà tăng trưởng, các ông lớn trong ngành viễn thông buộc phải chuyển mình, tập trung cung cấp dịch vụ mạng di động 5G; triển khai các công nghệ mới có khả năng dẫn dắt như: AI, blockchain, big data, phát triển các sản phẩm dịch vụ phục vụ Chính phủ điện tử; xây dựng hệ sinh thái dẫn dắt các doanh nghiệp khác chuyển đổi số.
Nhà đầu tư PPP làm cao tốc không dùng vốn ngân hàng
Cho đến thời điểm này, cả 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP đều đang có những dấu hiệu rất tích cực trong việc tìm kiếm nguồn vốn huy động từ phía nhà đầu tư.
Ví dụ như dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, theo đại diện nhà đầu tư dự án, hiện đơn vị này đang lập hồ sơ để phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho dự án này với khối lượng khoảng 2.700 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ thế chấp bằng quyền thu phí tại dự án. Ngoài ra, dự án Nha Trang - Cam Lâm cũng sẽ chỉ vay một phần vốn từ vốn tín dụng ngân hàng, còn lại sẽ huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Theo quy định, trong thời gian 6 tháng kể từ khi ký hợp đồng, nhà đầu tư sẽ phải chứng minh có đủ nguồn vốn huy động để thực hiện dự án, nếu không Bộ Giao thông Vận tải sẽ tịch thu bảo lãnh và hủy hợp đồng đầu tư.
Do vậy, huy động vốn bằng hình thức hợp đồng hợp tác (BCC), phát hành trái phiếu, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay từ các ngân hàng là một phương án đang được các nhà đầu tư tính tới. Chi tiết hơn, mời quý vị đón đọc trên tờ Giao thông sáng nay (9/8).
Xu hướng chuyển dịch trong dòng tiền gửi của ngân hàng
Tỷ trọng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đang ngày càng gia tăng đáng kể trong tổng số dư huy động vốn tại các ngân hàng, từ con số xấp xỉ 40% cách đây 5 năm, nhưng nay đã lên gần 49%.
Theo một số ý kiến, diễn biến này là tất yếu, khi dịch bệnh bùng phát khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng, nguồn vốn nhàn rỗi bị đọng lại nằm tại các ngân hàng.
Bên cạnh đó, tờ The Saigontimes phân tích, tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp tăng nhanh còn đến từ việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các ngân hàng thường đứng ra nhận phân phối lượng trái phiếu này, bằng cách mời chính khách hàng gửi tiết kiệm của mình mua trái phiếu.
Hệ quả là một lượng lớn tiền gửi tiết kiệm của khách hàng cá nhân đã chảy sang nằm ở trái phiếu doanh nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp khi huy động vốn từ trái phiếu nhưng chưa có nhu cầu sử dụng hết, thường sẽ giữ lại ở các tài khoản cũng đang mở tại ngân hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!