Tiến trình cổ phần hóa đã không đạt được mục tiêu trong năm 2015.
7 tháng đã trôi đi nhanh chóng và thị trường chứng khoán từ lâu đã mong chờ những cái tên lớn, với vốn điều lệ lên đến hàng nghìn tỷ đồng lên sàn chứng khoán như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam và một loạt ngân hàng như SaigonBank, Techcombank. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, thị trường chưa được phen nào náo nhiệt bởi những cái tên này.
Sabeco sẽ là món hàng "hot" nếu lên sàn. Đó là nhận định của thị trường khi doanh nghiệp này IPO vào năm 2008. Thế nhưng đến nay, điều đó vẫn chỉ là ngóng trông khi doanh nghiệp này vẫn chưa niêm yết. Vì sao như vậy? Sau bao lần hỏi, mới đây Bộ chủ quản của doanh nghiệp này đã trả lời rằng còn đợi quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng Sabeco không phải là trường hợp duy nhất như vậy.
Đã IPO 8 năm, cũng đã tìm đối tác chiến lược 8 năm nhưng đến nay chẳng có bất cứ lý do nào Habeco vẫn chưa lên sàn và những trường hợp như Sabeco, Habeco chẳng hề đơn lẻ. Trong số hơn 1.000 doanh nghiệp đã đăng ký là công ty đại chúng nhưng đến nay chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, có hàng trăm công ty hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước viện đủ lý do, nhiều nguyên nhân để không lên sàn dù đã có quy định.
10 năm trước, Sabeco là doanh nghiệp có quy mô lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk. Tuy nhiên, nay lợi nhuận của Vinamilk cao gần gấp 3 lần Sabeco và là cổ phiếu có mức vốn hóa lớn hạng nhất trên sàn chứng khoán trong khi Sabeco vẫn chưa lên sàn và vướng vào quá nhiều vụ lình xình về quản trị. Không niêm yết, cổ đông thiệt thòi khi khó thanh khoản, quản trị doanh nghiệp không minh bạch là cái giá phải trả không hề rẻ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!