UBND TP Hồ Chí Minh chỉ cho phép doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo 1 trong 2 phương án: Một là doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động với phương châm "3 tại chỗ": sản xuất - ăn uống - nghỉ ngơi; Hai là đảm bảo thực hiện "1 cung đường - 2 địa điểm", tức là duy nhất một cung đường vận chuyển công nhân từ nơi ở đến nơi sản xuất.
Ghi nhận tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, nhà kho cho giai đoạn mở rộng nhà máy đã được trưng dụng làm chỗ ở cho công nhân, mỗi chỗ nghỉ cách nhau tối thiểu 2m. Nhờ vậy, hơn 150 công nhân đã có chỗ ăn ở, vừa phòng chống dịch, đảm bảo sản xuất, đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng gấp 3 lần so với trước đây.
"Chúng tôi cũng đã phân chia nhà máy làm hai khu vực, để trong một tình huống xấu nhất là không may bị cách ly một khu thì vẫn còn một khu dự phòng. Chúng tôi vẫn đảm bảo được một lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường. Trong sản xuất mình có hai khu riêng biệt, chúng tôi cũng phải xây khu lưu trú riêng biệt để làm sao đảm bảo được tiêu chuẩn phòng chống dịch", ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay.
Việc cho người lao động ở lại và sản xuất tại chỗ góp phần cho doanh nghiệp chủ động gia tăng lượng cung ứng thực phẩm. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Tương tự, Công ty Cổ phần Ba Huân - công ty chuyên cung cấp thịt gà và trứng, cũng đã kích hoạt phương án phòng, chống dịch với 3 phân khu. Trong đó, người lao động tại trang trại chăn nuôi và khối chế biến được sắp xếp ăn uống tại chỗ, không đi ra ngoài. Còn khối văn phòng thực hiện giãn cách, mỗi phòng 3 người thay vì 10 người như trước.
"Các trang trại chăn nuôi thì chúng tôi đã cho ở tại chỗ, khi chưa có dịch cũng đã ở tại chỗ. Bây giờ có dịch thì càng nghiêm ngặt hơn. Ngày bình thường chưa có dịch, cán bộ công nhân viên 1 tháng về 1 lần, nhưng từ hôm dịch tới nay, chúng tôi động viên các bạn ở lại tại chỗ để giữ an toàn cho người lao động", bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân, cho biết.
Theo các doanh nghiệp, khi TP Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 16, nhu cầu hàng hóa, thực phẩm tươi sống của người dân đã tăng gấp nhiều lần. Do đó, việc cho người lao động ở lại và sản xuất tại chỗ cũng góp phần cho doanh nghiệp chủ động gia tăng lượng cung ứng thực phẩm, đặc biệt là hàng tươi sống, thịt lợn.
"Chúng tôi cũng đã tăng lượng giết mổ từ 600 con lên 1.200 - 1.500 con mỗi đêm. Với sản lượng này, cùng với sản lượng dự trữ của chúng tôi ở trong kho là 200 tấn thịt lợn đông lạnh thì chúng tôi cam kết rằng sẽ cung ứng đầy đủ thực phẩm, thịt lợn tươi sống cho các hệ thống phân phối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh", ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan), nhận định.
Sở Công Thương cho biết TP Hồ Chí Minh, nhóm doanh nghiệp chuyên cứng thực phẩm là nhóm được cơ quan ban ngành ưu tiên và sẵn sàng hỗ trợ trong mọi tình huống. Do đó, để tránh chuỗi cung ứng bị đứt gãy, Sở Công Thương cũng khuyến khích doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" nhưng cần xây dựng cơ chế phù hợp và linh động cho người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!